QĐND - Chúng tôi được mời tham dự chương trình “Dạ hội thanh niên” với sự tham gia của gần 5.000 bạn trẻ đến từ Trường Sĩ quan Lục quân 2 (SQLQ2), Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, Đại học Lạc Hồng và Tỉnh đoàn Đồng Nai. Đến phần tôn vinh các sinh viên tiêu biểu, cả sân vận động vỗ tay rào rào khi Thiếu tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Trường SQLQ2 xuất hiện trên sân khấu với vai trò của... MC thứ hai. Phong cách trẻ trung, dí dỏm, rất hoạt trong sử dụng ngôn ngữ, bằng lối xưng hô: Các bạn - tôi, Thiếu tướng Phạm Văn Dỹ đã thổi một luồng gió mới lạ vào đêm hội của giới trẻ.
Thiếu tướng Vũ Đức Hinh (bên trái) và Thiếu tướng Phạm Văn Dỹ trên sân khấu giao lưu với các bạn trẻ. |
Đúng lúc các bạn trẻ đang vỗ tay tán thưởng thì ông lại tiếp tục đưa đến một bất ngờ khác: “Bây giờ tôi như đang mang trong mình tâm hồn của một chàng trai tuổi hai mươi. Và tôi nghĩ rằng người có thể chia sẻ, đồng cảm với tôi trong khoảnh khắc này là Thiếu tướng Vũ Đức Hinh. Xin mời anh lên sân khấu”. Lời giới thiệu thú vị của Thiếu tướng Phạm Văn Dỹ đã kéo Thiếu tướng - PGS-TS Vũ Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường SQLQ2 vào cuộc một cách đầy ngẫu hứng. Và trên sân khấu, hai vị tướng sau khi trò chuyện, đối thoại với các bạn trẻ đã cùng hát vang những ca khúc sôi động. Sự xuất hiện của hai Thiếu tướng trên sân khấu đã cổ vũ đội ngũ cán bộ các phòng, khoa, đơn vị... nhiệt tình vào cuộc. Họ kết thành vòng tròn chung vui màn múa hát tập thể quanh đống lửa hội bập bùng...
Sự vào cuộc đầy nhiệt huyết ấy đã tạo nên chất “lửa” của phong trào, lan truyền đến với các bạn trẻ một cách sinh động. Sức “nóng” của thứ “lửa” ấy hấp dẫn đến mức, mặc dù là khách mời nhưng tôi cũng thấy rạo rực, đứng ngồi không yên, bèn tiến đến nắm tay cô Bí thư Đoàn trường Đại học Lạc Hồng bước lên sân khấu cùng tham gia vũ hội.
Thông thường, tại các chương trình hoạt động lớn do nhà trường tổ chức, Thiếu tướng Phạm Văn Dỹ xuất hiện với vai trò MC ở những thời điểm chương trình cần “lửa” nhất. Nhưng cũng có chương trình, ông làm MC “trọn gói”. Buổi lễ tôn vinh các nhà giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 mới đây là một ví dụ. Ông vừa giao lưu, đối thoại với các giáo viên, vừa là người dẫn chuyện. Khác với các chương trình dành cho tuổi trẻ, tại buổi lễ này Thiếu tướng Phạm Văn Dỹ bằng lối dẫn chuyện nhẹ nhàng, ngôn ngữ súc tích, giàu tình cảm, đã làm cho không khí buổi lễ tôn vinh các nhà giáo thêm trang trọng, ấm cúng.
Trao đổi với đội ngũ cán bộ cơ quan chính trị nhà trường, chúng tôi được biết, trong các phong trào hoạt động chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội, hai cán bộ - nhà giáo đứng đầu nhà trường: Thiếu tướng - PGS-TS Vũ Đức Hinh, Hiệu trưởng và Thiếu tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy, luôn là những cánh chim đầu đàn. Thiếu tướng - PGS - TS Vũ Đức Hinh là người rất năng nổ, nhiệt huyết, luôn đi đầu trong các phong trào, còn Thiếu tướng Phạm Văn Dỹ được biết đến là một vị tướng tài hoa. Ông có vốn kiến thức uyên thâm về văn hóa, am tường nhiều loại hình nghệ thuật, nhất là âm nhạc, là tác giả của nhiều bản đờn ca tài tử được khán, thính giả yêu thích trong hơn một thập kỉ qua. Âm hưởng chủ đạo trong các sáng tác của ông là ca ngợi hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ gắn với tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi. Những năm qua, từ thời còn công tác tại Binh đoàn Cửu Long và đến nay, khán giả đã rất yêu thích với hình ảnh Thiếu tướng Phạm Văn Dỹ trên sân khấu ôm đàn ghi ta, vừa đàn vừa hát những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ mượt mà, sâu lắng.
Tâm sự với nhiều cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường, chúng tôi nhận được ý kiến trả lời, họ học tập được rất nhiều, đặc biệt là các “ngón nghề” tiến hành công tác tư tưởng văn hóa, phong cách làm việc, tác phong sâu sát và “lửa” nhiệt tình của đội ngũ cán bộ chủ chốt nhà trường. Vì thế, chẳng phải ngẫu nhiên, các chương trình hoạt động ở Trường SQLQ2 đều được đội ngũ cán bộ, giáo viên vào cuộc với tinh thần rất hăng say, sôi nổi. Nhờ đó, các phong trào luôn khơi dậy tinh thần tự giác của mọi người, trở thành chất xúc tác góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo.
“Việc triển khai các phong trào, mô hình hoạt động chăm lo đời sống văn hóa tinh thần ở môi trường nhà trường không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của bộ đội mà còn có ý nghĩa như những mô hình mang tính thị phạm. Để đạt được hiệu quả kép ấy, cán bộ, giáo viên phải vừa là người truyền thụ kiến thức, tổ chức thực hiện, vừa phải lăn xả vào phong trào bằng những phần việc cụ thể nhất. Không chỉ các hoạt động ở cấp nhà trường mà ở từng cơ quan, đơn vị, chúng tôi cũng chủ trương nâng cao tính thị phạm. Đó chính là sự cụ thể hóa những bài học sinh động để giúp người học tích lũy kinh nghiệm, kĩ năng phục vụ cho công tác sau khi ra trường” - Đại tá Nguyễn Văn Hòa, Phó chính ủy Trường SQLQ2 trao đổi với chúng tôi như vậy...
Bài và ảnh: THANH KIM TÙNG
Ông đúng là một vị tướng đa tài.
Trả lờiXóa