Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

Tướng & Chuẩn Đô đốc cùng hát...


Vào lúc 19h30 ngày Chủ nhật 28/8/2011, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM sẽ diễn ra chương trình giao lưu thơ nhạc Tổ quốc nhìn từ biển
- Điều thú vị là trong chương trình này, lần đầu tiên 2 vị tướng sẽ cùng lên sân khấu hát về những người lính của mình.
Chương trình gồm 21 ca khúc viết về biển và bộ đội Trường Sa của 2 người lính - nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn và Quỳnh Hợp. Với sự thể hiện của các ca sĩ Nam Khánh, Trang Nhung, Cao Thái Sơn, Phương My, Triệu Lộc... các nhóm V-Music, Artista, B.O.M... Ngoài ra, còn có 2 nhà thơ Trần Đăng Khoa và Nguyễn Việt Chiến tham gia giao lưu.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp nguyên là đại úy thuộc Binh chủng Không quân, nay là biên tập viên âm nhạc của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM. Còn nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn hiện là TS - đại tá - Phó Giám đốc Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng. Cả hai nhạc sĩ đều có nhiều trăn trở về tình hình biển Đông hiện nay, từng ra đảo Trường Sa thăm bộ đội và viết những ca khúc về biển đảo, về bộ đội Trường Sa, trong đó có một số ca khúc được Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Binh chủng Hải quân trao giải thưởng. 
TT&VH có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Quỳnh Hợp
- Về lính không quân, Quỳnh Hợp cũng có viết, nhưng với lính hải quân có lẽ mình không phải trong binh chủng đó nên thấy nó rất lãng mạn, nhất là khi ra biển, đảo. Cơ duyên đầu tiên để viết ca khúc về hải quân đó là từ sự kiện trên biển năm 1988. Trong tình hình biển Đông hiện nay, đề tài này càng gợi cho mọi người nhiều cảm xúc. 
* Xuất thân là lính không quân, lý do nào mà chị có nhiều bài hát về hải quân, biển đảo? 

* Tại sao đa số những sáng tác của chị là phổ thơ? 
- Nếu sáng tác nhạc và sáng tác luôn cả lời, với Quỳnh Hợp nó khó hay và khó có thể đa dạng, có lẽ cũng vì điều đó nên một số nhạc sĩ nổi tiếng như Phan Huỳnh Điểu, Phú Quang... họ cũng phổ thơ. 
Ngoài ra, nó còn là niềm chia sẻ đối với bạn bè là những người làm thơ. Những bài thơ như Đảo bão (Nguyễn Trọng Tạo) hay Tổ quốc nhìn từ biển (Nguyễn Việt Chiến) là rất sâu sắc, phù hợp với cảm xúc của bản thân khi viết nhạc. Đảo bão không chỉ là gió bão trong thiên nhiên mà còn là “bão” trong lòng người. Tổ quốc nhìn từ biển như bừng dậy một cảm xúc, một sự cộng hưởng tự nhiên đối với nhiều người. 
* Chương trình với những ca khúc theo dòng nhạc truyền thống cách mạng, nhưng tại sao không có mặt những ngôi sao “nhạc đỏ” như Tạ Minh Tâm, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Lan Anh...? 
- Tiêu chí của chương trình là chọn những ca sĩ đã có ít nhiều gắn bó với 2 nhạc sĩ (Quỳnh Hợp và Nguyễn Hồng Sơn) trong chương trình này. Đa số các ca sĩ trong chương trình đã từng biểu diễn hoặc thu âm các ca khúc của Quỳnh Hợp và Nguyễn Hồng Sơn, họ hiểu và khá nhuần nhuyễn với các ca khúc và sẽ không mất quá nhiều công sức cho chương trình. 
Ngoài ra, cũng còn một lý do khác là muốn để các ca sĩ trẻ hát cho các bạn trẻ nghe. Nhóm VMusic, B.O.M, ca sĩ Cao Thái Sơn, Phương My... sẽ đem đến cho các bạn trẻ những cảm xúc gần gũi hơn.
* Có phải Phương My “thảm họa nhạc Việt" không? 
- Đúng thế! Tôi biết có lẽ mọi người băn khoăn điều này khi Phương My xuất hiện trong chương trình giao lưu thơ nhạc Tổ quốc nhìn từ biển. Nhưng đối với tôi chuyện đó là bình thường, bởi clip mà nhiều người cho là “thảm họa nhạc Việt” tôi thấy cũng chưa thật chính xác, ca từ trong clip Nói dối này không phải là xấu, âm nhạc tuy đơn giản nhưng không phải đơn điệu, giọng ca của Phương My không phải là dở. 
Trong chương trình lần này Phương My sẽ hát bản Rock đồng hồ cát (nhạc Nguyễn Hồng Sơn, thơ Đoàn Vũ Vinh) rất ấn tượng: trẻ trung, có lửa, gần gũi với bộ đội... và đặc biệt Phương My rất nhiệt tình với chương trình này. 
* Theo chị tiết mục nào trong chương trình là đặc biệt nhất? 
- Có một tiết mục rất đặc biệt, có lẽ đây là lần đầu tiên 2 vị tướng cùng hát về những người lính của mình. Thiếu tướng Phạm Văn Dỹ (Chính ủy Quân khu 7) chơi guitar và hát cùng thiếu tướng - Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo (Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân 2) bài Tạm biệt Trường Sa (nhạc Quỳnh Hợp và Nguyễn Hồng Sơn) cùng với 2 tác giả và 2 nhà báo (Thu Lan - VOV1 và Thu Hương - báo Hải quân VN). Đây là sự tái hiện lại tiết mục đã diễn ra trên tàu HQ 996 ngày 10/5/2011, được trực tiếp phát thanh trên VOV1. 

Tiết mục Tạm biệt Trường Sa trên tàu HQ 996 được phát thanh trực tiếp trên VOV1
Việc hai vị tướng hát với nhau còn có ẩn ý về sự “hiệp đồng tác chiến” giữa 2 binh chủng. 
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này! 
Nhiều cảm xúc dâng trào khi đến Trường Sa 
Đặt chân đến Trường Sa mới thấy rằng những gì mà chúng ta đã gửi gắm đến Trường Sa là rất bé nhỏ so với những gian nan, hiểm nguy mà những người lính nơi đây đang đối mặt. 
Tôi đã đến Trường Sa, nhìn biển đảo giữa trùng khơi sóng, tôi có một cảm giác mong manh của con người bé nhỏ trước thiên nhiên. Nhưng nơi đây có những bàn tay con người lao động để các đảo rợp màu xanh, có những con người luôn chắc tay súng nơi đầu sóng, ngọn gió... Những điều đó đã tạo cho tôi nhiều cảm xúc dâng trào...
(Nhạc sĩ Quỳnh Hợp)

Hữu Trịnh (thực hiện) 
Trích từ baodientu.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét