Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Trải nghiệm Trường Sa

QĐND - Biển, đảo Trường Sa đẹp kỳ vĩ. Trên boong tàu, trong chuyến hành trình dài ngày, chúng tôi thường đi ngủ muộn vì muốn được ngắm nhìn, trải nghiệm. Trường Sa thật gần gũi, thân quen. Nơi ấy quân và dân luôn đoàn kết gắn bó, vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Vóc dáng Trường Sa
Đại úy Võ Cát Khánh, Thuyền trưởng tàu HQ 996 nói với tôi: Mỗi lần tàu rời bến, được ngắm biển trời bao la, càng thêm yêu mến, tự hào về Trường Sa - vùng biển, đảo tiền tiêu, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió.
Sau nhiều giờ lênh đênh trên biển, tàu HQ 996 đưa đoàn công tác chúng tôi cập cảng đảo Trường Sa Lớn. "Thủ đô" huyện đảo như pháo đài sừng sững kiên cường giữa Biển Đông. Qua đường băng, bước chân chúng tôi chạm ngay vào nền cát san hô, nhưng có rất nhiều cây xanh, cây chắn gió, nước mặn. Niềm nở đón đoàn công tác từ cầu cảng, Thượng tá Nguyễn Hữu Lục, Đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn đưa chúng tôi đến Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Tượng đài liệt sĩ, rồi tham quan một vòng quanh đảo. Trường Sa hôm nay đang thay đổi từng ngày, cơ sở hạ tầng khang trang, các công trình văn hóa, dân sinh… mang dáng dấp một thị trấn đảo văn minh, hiện đại. Những ngôi nhà của bà con ngư dân còn thơm mùi vôi mới cùng các công trình như Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm, Nhà khách Thủ đô (do chính quyền, nhân dân Hà Nội xây tặng). Dưới tán cây phong ba, các chiến sĩ hải quân vượt nắng, thắng mưa, hăng say huấn luyện, SSCĐ. Ven đảo, các chàng trai vạm vỡ kéo chài bắt cá; trong những mái trường tươi màu ngói mới, các em học sinh tíu tít nô đùa, bi bô học chữ…
Bộ đội đảo An Bang giao lưu văn nghệ với các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật Quân khu 1.
Khi mặt trời lặn, đảo Trường Sa Lớn bừng sáng lung linh giữa biển trời. Những năm trước, khi chưa có điện, đêm về, cả đảo “ẩn mình” giữa đại dương, các đơn vị phải sử dụng máy phát điện để bộ đội học tập, huấn luyện và chỉ được dùng theo tiêu chuẩn 6 giờ/ngày. Còn nay, nguồn điện năng lượng mặt trời, năng lượng gió cung cấp đủ điện sinh hoạt cho quân và dân trên đảo 24/24 giờ. Điện năng dồi dào; mạng điện thoại di động được phủ sóng giúp người dân liên lạc với đất liền rất thuận tiện.
Chia sẻ cùng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, Thiếu tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7 đánh giá: “Thật vui khi chứng kiến thành quả của quân và dân huyện đảo đạt được. Tinh thần đoàn kết, đồng lòng của bộ đội - nhân dân là sức mạnh vượt mọi khó khăn, gian khổ, bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tinh thần đó là tượng đài kiên trung giữa biển trời, nơi chiến sĩ, đồng bào cả nước luôn hướng về”.
Vững vàng nơi đầu sóng
Khó khăn, vất vả đối với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo, của bà con ngư dân đánh bắt xa bờ, của các hộ dân sinh sống trên đảo, xa đất liền mới chỉ giải quyết được phần nào... Tuy nhiên, quân - dân trên quần đảo luôn kiên trung, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Đại úy Đồng Văn La, Chính trị viên Cụm chiến đấu số 1, Đảo Trường Sa Lớn tâm sự: “Đêm đêm, trên các xã đảo, cán bộ, chiến sĩ luôn thức cùng biển, đảo. Ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm, khả năng SSCĐ luôn được đặt lên hàng đầu”.
Hai đêm được trưởng đoàn công tác “ưu ái” sắp xếp ngủ cùng chỉ huy đảo, tôi thêm hiểu những vất vả, cường độ cao trong thực hiện nhiệm vụ của các anh. Chỉ huy đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; cùng các lực lượng xử lý kịp thời những tình huống trên biển, trên không; không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.
Cuộc sống thường ngày của cư dân trên đảo Sinh Tồn.
Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Lục, Đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn: Cường độ hoạt động của các lực lượng trên đảo rất cao, tác chiến độc lập, xa đất liền, nên ai cũng xác định rõ nhiệm vụ, đề cao cảnh giác. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, các đơn vị đảo thường xuyên bổ sung, củng cố hệ thống văn kiện tác chiến theo quy định, nâng cao chất lượng, bảo đảm sát thực tế; sử dụng hiệu quả các hệ thống báo động, duy trì nghiêm chế độ luyện tập, phương án SSCĐ...
- Chúng tôi luôn tập trung cao độ cho công tác huấn luyện, SSCĐ - Trung tá Trịnh Văn Long, Đảo phó đảo Trường Sa Lớn tâm sự. Do đặc thù nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ hoạt động phân tán, các phân đội thường xuyên tổ chức huấn luyện bổ sung, học bù; hằng tuần, hằng tháng tiến hành bồi dưỡng các nội dung cho cán bộ, huấn luyện thông qua giảng bài để kiểm tra phương pháp huấn luyện. Qua kiểm tra, đánh giá chất lượng những tháng gần đây, bộ đội đảo đều đạt kết quả khá, giỏi, bắn hỏa lực đạt giỏi....
"Điểm tựa" của nhân dân
Chính quy, tinh nhuệ, SSCĐ cao, bộ đội hải quân trên quần đảo Trường Sa luôn sẵn sàng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh lãnh thổ quốc gia; thực sự là điểm tựa vững chắc của bà con ngư dân làm ăn trên biển. Hằng năm, bộ đội hải quân tổ chức cứu hộ, cứu nạn hàng trăm lượt tàu, thuyền và hơn 1000 lượt ngư dân các tỉnh miền Trung gặp nạn khi đánh bắt hải sản tại ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa; ưu tiên chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nước ngọt, thuốc men, áo quần... cho bà con; tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân bị nạn sớm trở về đất liền an toàn.
Trung tá Đinh Trọng Thắm, Chỉ huy trưởng Đảo Sinh Tồn bộc bạch: “Giúp đỡ nhân dân là tình cảm, trách nhiệm của bộ đội hải quân. Bên cạnh đó, trên địa bàn biển, đảo xa xôi, nếu không có sự giúp đỡ, phối hợp của nhân dân thì cán bộ, chiến sĩ khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hướng dẫn bà con, bảo đảm an ninh trật tự để ngư dân yên tâm khai thác thủy sản trên ngư trường chính là góp phần phát triển kinh tế biển, đảo gắn với nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân”. Được biết, quân y đảo Sinh Tồn đã cấp phát thuốc, khám sức khỏe cho các lực lượng ra, vào đảo đúng quy định; khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em, phụ nữ; từ năm 2010 đến nay, đã điều trị cho gần 100 ca cấp cứu do người dân bị nạn trên biển, thực hiện hơn 120 ca tiểu phẫu, 6 ca trung phẫu...
Đối với ngư dân khai thác thủy sản trên vùng biển xa, bệnh xá quân y là địa chỉ tin cậy, "ngôi nhà thứ hai" của bà con. Anh Võ Thanh Trang, quê Quảng Ngãi, chủ tàu cá QNG 94378 cho biết: "Khi bị đau ốm, tai nạn trên biển, chúng tôi đều được các bác sĩ, y sĩ quân y giúp đỡ, chăm sóc rất tận tình".
Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn cùng đồng nghiệp mới đây đã "lập chiến công" xuất sắc khi thực hiện thành công ca phẫu thuật sinh mổ đầu tiên trên quần đảo Trường Sa. Anh cho biết: Bệnh xá luôn ứng trực nghiêm túc, sẵn sàng hỗ trợ khi tàu cá và ngư dân gặp hoạn nạn. Ngay cả khi mưa bão, các thầy thuốc quân y cùng bộ đội đảo nhanh chóng lên xuồng ra với tàu cá xử lý các ca cấp cứu; kịp thời tổ chức tìm kiếm cứu nạn, đưa nạn nhân vào đảo an toàn.
Chứng kiến hai ca cấp cứu trên đảo, tôi càng thấu hiểu sự vất vả, khó khăn cùng những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ quân y. Đêm khuya, nhưng không khí tại bệnh xá vẫn khẩn trương. Bệnh nhân Nguyễn Mỹ, trú ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân trên tàu cá QNG 94379, bị bất tỉnh sau khi lặn sâu, được kịp thời cứu sống. Các y, bác sĩ lại khẩn trương tìm biện pháp điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Quế (43 tuổi, ngư dân tàu QNG 96157) cũng trong tình trạng nguy kịch. Trên đảo còn thiếu các trang thiết bị y tế hiện đại (nhất là các thiết bị chẩn đoán hình ảnh như máy X-quang, siêu âm…) và thuốc đặc trị, nên kíp trực xin ý kiến cấp trên cùng với sự chỉ đạo chuyên môn "từ xa" của Bệnh viện Quân y 175 để đưa bệnh nhân về tuyến trên điều trị. Đại tá, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 chỉ đạo: Nếu đưa bệnh nhân vào bờ bằng tàu thủy thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng, thiếu thuốc trên đường đi, bệnh nhân sẽ bị liệt não. Trường hợp này phải vận chuyển bằng máy bay. Được sự hỗ trợ của Đoàn Không quân 370, nạn nhân đã được đưa về Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu kịp thời.
Đại úy, bác sĩ Phạm Ngọc Thắng (Bệnh xá quân y Đảo Nam Yết) kể về trường hợp quân y đảo "vượt khó" phẫu thuật thành công cho một ngư dân bị vỡ xương đùi. Không có thiết bị chẩn đoán hình ảnh, anh em chủ yếu khám lâm sàng, nên quá trình phẫu thuật khá mạo hiểm; một sai sót nhỏ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Để hoàn thành nhiệm vụ, các y sĩ, bác sĩ tại các xã đảo phải nỗ lực hết mình, khắc phục nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thiết nghĩ, công tác y tế trên quần đảo rất cần một chiến lược lâu dài, đầu tư bài bản. Đó là mong muốn, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân sinh sống, làm ăn trên vùng biển, đảo tiền tiêu và của đồng bào, chiến sĩ cả nước luôn hướng về Trường Sa thân yêu.
Ghi chép của Tuấn Nam