Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Không lẫn giữa một rừng sao

Nghe tên Công Lâm đã khá lâu nhưng trong chuyến công tác Sài Gòn vừa qua, tôi mới được thưởng thức giọng hát của anh tại một địa điểm biểu diễn mà giới nghệ sĩ thường hay lui tới. Hôm đó, Công Lâm hát ca khúc “Hà Nội linh thiêng và hào hoa” mà anh đã từng đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009. Giọng tenor, trữ tình, khá đẹp. Khi bài hát kết thúc, nhiều khán giả đã lên tặng hoa và chia sẻ rằng, nghe anh hát, họ thấy nhớ Hà Nội bởi đó là nơi họ sinh ra và lớn lên.  
Có năng khiếu ca hát nên Công Lâm đã chọn thi vào Nhạc viện Tp Hồ Chí Minh. Anh may mắn được học thầy Quốc Trụ và Duy Tân là hai giảng viên thanh nhạc dày dạn kinh nghiệm, đặc biệt thầy Quốc Trụ là nhà giáo đã đào tạo nhiều ca sĩ tên tuổi ở phía Nam. Trong thời gian đang học anh đã đạt được một số giải như: 1998 giải Tư cuộc thi Tiếng hát truyền hình Tp HCM; Huy chương Vàng Hội diễn hợp xướng thành phố và nhiều giải thưởng cấp tỉnh; 1999 đoạt giải Nhất Tiếng hát Đài phát thanh Tp Hồ Chí Minh. Năm 2003 Công Lâm đã giành thêm một chiếc Huy chương Vàng nữa tại Hội thi công nhân viên quốc phòng toàn quốc.
Tốt nghiệp bằng Giỏi khoa Thanh nhạc Nhạc viện anh về công tác tại Đoàn nghệ thuật Quân khu 7. Vào đoàn, anh không ngừng rèn luyện và phấn đấu, trở thành giọng ca nam chính của đoàn. Tại Hội diễn Ca, Múa, Nhạc chuyên nghiệp Toàn quốc năm 2009 Công Lâm đã giành thêm một Huy chương Vàng cá nhân…

Công Lâm chụp ảnh với thiếu tướng Phạm Văn Dỹ
Hà Nội là nơi anh cất tiếng khóc chào đời, thời điểm diễn ra hội diễn cũng là lúc cả nước đang hướng về ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nên Công Lâm đã quyết định chọn ca khúc “Hà Nội linh thiêng và hào hoa” để dự thi. Đây là ca khúc rất hay về Hà Nội, đã được rất nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện rất thành công rồi, nhưng là người thích tìm tòi, sáng tạo nên anh thể hiện khác đi. Mở đầu phần biểu diễn, anh đã đọc bốn câu thơ với một chất giọng đầy hào sảng:
Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.
Đây là đoạn đầu trong bài thơ Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ - một nhà hoạt động chính trị đồng thời là một chỉ huy quân sự Việt Namvà cũng rất nổi tiếng về tài thi ca. Người nghệ sĩ – chiến sĩ luôn hừng hực trong tim mình dòng máu nóng Lạc Hồng trong một buổi chiều trên sân ga lưu luyến tiễn bạn về đất Bắc xuất thần viết nên bài thơ mà sau này đã trở thành tuyệt bút, đặc biệt 4 câu thơ đầu được rất nhiều thế hệ người Việt Nam truyền tụng. Bốn câu thơ này nói lên cảm xúc và tâm thế của những người đã gắn bó cùng Hà Nội và tâm trạng khi phải rời xa đất Thăng Long.
Bài hay đã đạt đến độ đỉnh cao mặc dù khi viết bài thơ này tác giả chưa một lần đặt chân đến Thăng Long. Còn bài hát “Hà Nội linh thiêng và hào hoa” là của nhạc sĩ Lê Mây nhằm ngợi ca vẻ đẹp của Hà Nội nghìn năm văn hiến, anh hùng. Sức sống của cả một đất nước, một dân tộc bừng sáng lên với hình ảnh một thủ đô linh thiêng và hào hoa. Hai tác giả sáng tác hai tác phẩm ở hai thể loại khác nhau nhưng đều là ca ngợi đất Thăng Long xưa nên việc đọc bốn câu thơ này trước khi thể hiện bài hát là một sự sáng tạo rất hiệu quả.
Hội diễn Ca, Múa, Nhạc chuyên nghiệp toàn Quốc tại Nha Trang
Tiết mục của anh là một trong những tiết mục “đinh” của đoàn tham dự hội diễn nên được đầu tư kĩ lưỡng. Đoàn Quân khu 7 đã đặt nhạc sĩ Kim Quang phối khí mới ca khúc và nhờ NSND Phi Long dàn dựng phần múa minh họa để tạo sự hoành tráng. Giữa và cuối bài hát anh còn đưa vào một số từ của tuồng làm cho phần thể hiện của anh khá mới mẻ và ấn tượng. Với kỹ thuật thanh nhạc chắc chắn, chất giọng khỏe khoắn, trữ tình cộng với cảm xúc chân thật nên Công Lâm đã thể hiện rất thành công. Huy chương Vàng đơn ca nam cho Công Lâm thật xứng đáng. Nhưng Công Lâm lại khiêm tốn nói rằng đó là do được lãnh đạo đoàn ưu ái và tạo điều kiện hết sức cho anh. Ngoài ra còn do sự chỉ bảo tận tình của NSND Lê Ngọc Cường lúc đó là Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn. Khi đi duyệt chương trình của Đoàn nghệ thuật Quân khu 7, xem Công Lâm thể hiện xong, NSND Ngọc Cường khen hát hay và chỉ có một góp ý nhỏ thôi nhưng rất quan trọng đó là nên thay đổi trang phục biểu diễn. Lúc đó Công Lâm mặc theo kiểu một thanh niên Hà Nội xưa nhưng ông bảo nên thay bằng áo the khăn đống thì hợp hơn với ca khúc và với trang phục áo tứ thân của nhóm múa minh họa. Ngoài đời là người hoạt bát, sôi nổi và khá mạnh mẽ nhưng khi lên sân khấu Công Lâm hát rất xúc cảm. Tiết mục biểu diễn của Công Lâm đã đạt điểm 9.7, là một trong những tiết mục đạt điểm cao nhất hội diễn về đơn ca.
Luôn trung thành với sắc phục người lính
Nhiệm vụ của các đoàn nghệ thuật quân đội là đi phục vụ bộ đội và nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, từ đất liền đến hải đảo. Hầu như tất cả các chuyến đi phục vụ đó Công Lâm đều tham gia và mỗi chuyến đi đều để lại một kỷ niệm đẹp. Để lại ấn tượng nhất với anh là hai đợt biểu diễn dài ngày tại Côn Đảo và Trường Sa mới đây. Tháng 3/2011 một bộ phận của Đoàn nghệ thuật Quân khu 7 ra biểu diễn tại Côn Đảo, dẫn đầu là Chính ủy quân khu 7, thiếu tướng Phạm Văn Dỹ. Biểu diễn phục vụ xong, anh và NSƯT Trương Kim Khánh – Trưởng đoàn nghệ thuật Quân khu 7 cùng song ca bài “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” do chính Chính ủy Phạm Văn Dỹ đệm đàn guitar, tiết mục đã gây xúc động cho cả người biểu diễn lẫn người xem… Công Lâm mơ ước được ra Trường Sa một lần để biểu diễn cho các chiến sĩ ngoài đó bởi họ là những người lính vất vả và chịu nhiều thiệt thòi nhất. Ước mơ trở thành sự thật, tháng 5 vừa rồi Chính ủy Phan Văn Dỹ đã cử Công Lâm cùng ra đảo Trường Sa với ông. Công Lâm và cùng Chính ủy đã đứng ngay tại boong tàu hát hai ca khúc “Khúc hát về Trường Sa” và “Chút thư tình người lính biển” tặng các chiến sĩ. Hai người hát xong, các chiến sĩ vỗ tay cổ vũ rất nhiệt tình và yêu cầu hát thêm. Công Lâm tâm sự, cùng là ca khúc anh hay thể hiện trên sân khấu nhưng hát ở đây cảm xúc thật khác, vừa thiêng liêng lại vừa tự hào. Được chứng kiến lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền của đất nước ngay trên boong tàu anh và mọi người đều xúc động. Hình ảnh đó đã làm cho Công Lâm suy nghĩ rất nhiều, anh tự hứa sẽ cống hiến hết mình cho nghệ thuật và sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh.
Niềm vui của Công Lâm cũng là niềm vui của cả Đoàn NTQK7
Ngoài việc đi biểu diễn các chương trình của Đoàn, Công Lâm còn tham gia giảng dạy tại trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương 3 (nay là Cao đẳng Sư phạm Trung ương Tp HCM) và trường tư thục Suối nhạc vừa để có thêm thu nhập lại vừa rèn dũa giọng hát của mình. Anh đã đào tạo được một số ca sĩ trẻ như: Nguyễn Hồng Ân, Trương Đan Huy, Trần Vũ Hà My…
Hiện tại Công Lâm đang ấp ủ thực hiện 2 Album để kỷ niệm quãng đời ca hát. Album thứ nhất sẽ ra mắt vào tháng 8 với tựa đề “Chàng trai Việt” gồm các ca khúc trữ tình cách mạng, là dòng nhạc sở trường của anh như: Tình ca (Phạm Duy); Quê nhà (Trần Tiến), Hướng về Hà Nội, Hà Nội linh tiêng và hào hoa… Hát những ca khúc cũ nhưng phối khí mới, chẳng hạn với bài “Quê nhà” của nhạc sĩ Trần Tiến, Công Lâm là ca sĩ đầu tiên đưa đàn bầu và violon vào phối cho ca khúc. Album thứ 2 cũng là dòng nhạc trữ tình cách mạng nhưng anh sẽ tìm tòi các ca khúc mới để thể hiện. Bởi anh quan niệm, người nghệ sĩ phải luôn sáng tạo, phải có cái riêng của mình, để không bị lẫn giữa một “rừng sao” ca sĩ như hiện nay.
 Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét