Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Trí thức trẻ tình nguyện phục vụ quân đội


QĐND - Trong số 9.700 thanh niên nhập ngũ đợt 1-2012 trên địa bàn Quân khu 7 có 2,99% là đảng viên, 84,50% là đoàn viên. Đặc biệt, có 868 thanh niên đã tốt nghiệp các trường đại học và cao đẳng (ĐH, CĐ), 36% người xuất thân từ gia đình kinh tế khá giả. Đây là bước "đột phá" của Quân khu 7 trong công tác lựa chọn thanh niên nhập ngũ.
Hạnh phúc được làm chiến sĩ


Trung tướng Phạm Văn Dỹ - Chính ủy Quân khu 7
động viên thanh niên tỉnh Long An trong ngày nhập ng


Sáng 9-2, 50 chiến sĩ nữ từ các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu 7 nhập ngũ đã chững chạc, xinh xắn trong bộ quân phục mới tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 (Trường Quân sự Quân khu 7). Trong số này có 5 người đã tốt nghiệp ĐH, 16 người tốt nghiệp CĐ và 15 người tốt nghiệp Trung học chuyên nghiệp (THCN). Những giờ tập gấp nội vụ tạo cho họ một cảm giác thú vị, phấn chấn và tràn đầy niềm tin sau một ngày trở thành người chiến sĩ.

Tân binh Đào Đức Tuấn, sinh năm 1988, trú tại quận 9, TP Hồ Chí Minh đã tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, tình nguyện nhập ngũ với ước muốn được phấn đấu, rèn luyện và học tập trong môi trường quân đội. Tuấn nói: “Tôi hy vọng  sẽ trưởng thành và tự tin hơn. Quân đội là trường ĐH tổng hợp của thanh niên”.Tươi tắn và trẻ trung là cô gái Nguyễn Thị Thùy Dương, sinh năm 1990, đến từ xã Long Hòa (Cần Đước - Long An). Thùy Dương đã tốt nghiệp Trường CĐ Kế toán Long An, ba mất sớm, má ở nhà làm ruộng, chị gái đã xây dựng gia đình, nhưng cô viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Lúc đầu má còn băn khoăn, lo lắng, nhưng khi nghe cô giải thích là môi trường quân đội rất lý tưởng để rèn luyện nhân cách con người thì má đồng ý. Thùy Dương tâm sự: “Hồi còn là sinh viên, em biết trong quân đội rèn người ghê lắm, luyện tập rất vất vả, nhưng tình cảm thì không ở chỗ nào bằng. Hơn thế nữa, quân đội đang có chủ trương thu hút trí thức trẻ, nên em đã viết đơn xin nhập ngũ”. Còn cô gái xứ Huế, đang sinh sống ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Huế, chuyên ngành Tâm lý lại “bật mí”: “Em trở thành chiến sĩ cả nhà mừng lắm. Ở đây điều kiện ăn ở rất tốt, bữa cơm có nhiều món ăn hợp khẩu vị, các bạn sum vầy tình cảm bên nhau. Em  muốn phục vụ lâu dài trong quân đội”. Quân khu 7 đang có chủ trương đào tạo 50 chiến sĩ nữ này trở thành các sĩ quan, QNCN  phục vụ lâu dài trong quân đội. Ngay trong ngày đầu nhập ngũ, Thiếu tướng Trần Đơn - Tư lệnh Quân khu 7 - đã quyết định bổ sung thêm 5000 đồng vào tiêu chuẩn ăn mỗi ngày và may thêm cho mỗi chiến sĩ một bộ quân phục nữa.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Từ năm 1996, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã chủ trương ưu tiên tiên gọi nhập ngũ đối với các thanh niên đã tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ, THCN.
Trong những năm gần đây, Quân khu 7 và các địa phương đã liên tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt về Luật Nghĩa vụ quân sự, nhất là giáo dục ở các trường ĐH, CĐ, trường dạy nghề; khơi dậy lòng yêu nước của đội ngũ thanh niên trí thức, giúp họ hiểu rõ nghĩa vụ và trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: “Năm nào Thành ủy  cũng có nghị quyết chuyên đề về công tác tuyển chọn và gọi thanh niên nhập ngũ, trong đó chú trọng việc vận động những thanh niên đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, THCN nhập ngũ. Chủ trương này được các sở, ban ngành, quận, huyện và các trường học hưởng ứng rất mạnh mẽ”.
Không chỉ riêng ở TP Hồ Chí Minh,  các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các trường học ở các tỉnh khác cũng tích cực tuyên truyền, vận động thanh niên là trí thức tham gia quân đội. Ở các cơ quan Nhà nước, lãnh đạo các tỉnh, thành phố luôn có một chế độ đặc biệt đối với các trí thức tham gia nhập ngũ như hỗ trợ về kinh phí, thăm và tặng quà gia đình, tạo điều kiện thuận lợi khi họ hoàn thành nghĩa vụ trở về cơ quan làm việc. Đồng chí Võ Thị Tuyết, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết: “Trong mỗi lần tuyển quân, giao quân, hầu hết lãnh đạo huyện đã cùng Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên đi tới từng xã để tuyên truyền, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ. Vì thế, nhiều em đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, THCN đã tình nguyện đi khám sức khỏe”. Đợt tuyển quân này, Quân khu 7 tạo đột biến khi số lượng thanh niên đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, THCN cao hơn cùng đợt của năm 2010 là 6,11% và năm 2011 là 4,73%.
Chiến sĩ nữ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 (Trường Quân sự Quân khu 7) sau một ngày sống trong quân ngũ.
Tạo nguồn cho quân đội và địa phương
Trao đổi với chúng tôi, Trung tướng Phạm Văn Dỹ - Chính ủy Quân khu 7 cho rằng: “Công tác tuyển quân tốt là thiết thực góp phần xây dựng quân đội vững mạnh và giúp cho các địa phương có nguồn cán bộ kế cận chất lượng cao. Điều đáng mừng là ý thức xây dựng quốc phòng, tin yêu quân đội của người dân rất rõ. Tôi đến thăm một gia đình thương binh, cựu tù Phú Quốc ở Đức Hòa, Long An, có 2 con đã hết hạn tại ngũ mà vẫn động viên con thứ ba nhập ngũ đợt này. Bởi vậy tác động rất lớn đến các trí thức trẻ".
Được biết, các quân nhân đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, hay có tay nghề kỹ thuật sau khi huấn luyện xong, sẽ được Quân khu 7 tuyển lựa, bố trí công việc phù hợp với khả năng và cử đi học tập, đào tạo tiếp để trở thành các sĩ quan, cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực quân sự nếu có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong quân đội. Nếu họ xuất ngũ, sẽ được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo  việc làm ổn định, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo khi đủ điều kiện. Đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết: “Thanh niên trí thức khi nhập ngũ là nguồn nhân lực chất lượng cao của địa phương. Họ cũng là lực lượng nòng cốt trong công tác quân sự địa phương sau này”. Còn đồng chí Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thì nhận định: “Tuyển chọn công dân nhập ngũ là một bài toán về nhân sự. Vì thế, chúng tôi rất quan tâm, ưu tiên đến đội ngũ đảng viên trẻ và thanh niên trí thức”.
TP Hồ Chí Minh năm nào cũng có tỷ lệ thanh niên nhập ngũ đã tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ, THCN cao nhất. Chính điều này đã tạo “cú hích” cho các tỉnh khác trên địa bàn Quân khu 7. Trong thời gian tới, tỷ lệ thanh niên nhập ngũ có trình độ ĐH, CĐ, THCN sẽ tiếp tục tăng. Nhờ vậy, giúp cho các địa phương có thêm nhiều nguồn phát triển mới, đáp ứng tốt với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài và ảnh: Phi Hùng – Xuân Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét