Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Biến trại địch thành trận địa công khai


SGGP - Các cựu chiến binh trong Ban Liên hợp quân sự “Trại Đavít” vừa vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong niềm vui vô bờ bến. Trong ngày vui họp mặt, ký ức một thời oanh liệt lại ùa về…
Đại tá Nguyễn Văn Lâm, quê ở Sài Gòn, tập kết ra Bắc từ năm 1954, hiện đang ngụ tại quận 1, TPHCM nhớ lại: “Hồi năm 1973, tôi đang công tác tại một đơn vị bộ đội thì có lệnh cấp trên phân công tôi vào Ban Liên hợp quân sự để buộc địch phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris vừa được ký kết.
"Trại Đavít" đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trên chuyến bay từ sân bay Nội Bài vào sân bay Tân Sơn Nhất, đoàn chúng tôi không khỏi hồi hộp vì được trực tiếp tham gia một cuộc chiến đấu đặc biệt ngay giữa sào huyệt kẻ thù. Ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, kẻ thù đã gây nhiều khó khăn cho bộ đội ta, chúng ép ta phải làm thủ tục khai báo “nhập cảnh” và tìm nhiều cách dụ dỗ lôi kéo bộ đội ta, nhưng mọi âm mưu của chúng đều bị thất bại thảm hại…”.

Theo thỏa thuận tại hội nghị Paris, Ban Liên hợp quân sự bốn bên được bố trí tại một địa điểm ở Sài Gòn. Nhằm cô lập bộ đội ta với nhân dân bên ngoài, địch dùng “Trại Đavít” (Đavít là tên của một lính Mỹ đầu tiên chết tại chiến trường miền Nam VN) để cho hai phái đoàn ta ở và làm việc.
Theo Đại tá Đinh Quốc Kỳ, Phó ban liên lạc Ban Liên hợp quân sự phía Bắc: “Trại Đavít là nơi ở của một đơn vị không quân Mỹ trong sân bay Tân Sơn Nhất, doanh trại này xây bằng tường gạch, nền đất, lợp tôn xi măng nên rất nóng nực. Trại Đavít lại nằm ngay dưới đường bay nên hàng ngày bộ đội phải chịu đựng tiếng ồn đinh tai nhức óc của hàng chục chuyến máy bay qua lại. Bên trong trại, địch cài máy nghe lén, luôn gây nhiễu phá sóng liên lạc của ta, còn bên ngoài chúng canh gác rất nghiêm ngặt, luôn chĩa súng vào trại nhằm hủy diệt bộ đội ta bất cứ lúc nào. Nhưng với ý chí quyết chiến, quyết thắng và tinh thần yêu nước mãnh liệt, bộ đội ta vẫn chiến đấu kiên cường trên mặt trận ngoại giao, tố cáo những hành động phá hoại Hiệp định Paris của kẻ thù...”.
Đại tá Lê Quang Giác, nguyên Phó Viện Kiểm sát quân sự QK7, người từng ở trong trại Đavít suốt hai tháng trời cho biết: “Những ngày sống trong Trại Đavít hết sức gian khổ, nguy hiểm luôn rình rập nhưng bộ đội hai phái đoàn của ta luôn đoàn kết một lòng, kiên cường bám trụ. Lúc chiến tranh trở nên ác liệt, bộ đội ta phải bí mật đào hầm ngay trong trại để tránh bom đạn và sẵn sàng chiến đấu…”.
Thiếu tá Phạm Phi Phụng từng sống tại Trại Đavít hơn 60 ngày tự hào nói: “Bộ đội ta đã biến trại địch thành trận địa chiến đấu công khai ngay trong lòng địch, góp phần xuất sắc cùng quân dân cả nước đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào như lời Bác Hồ dạy…”.
Đại tá Nguyễn Bạch Vân xúc động nói: “Không thể kể xiết những khó khăn thử thách mà bộ đội ta phải trải qua trong suốt 823 ngày đêm sống, chiến đấu tại Trại Đavít (từ tháng 1-1973 đến tháng 5-1975). Nơi đây có 9 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh và 25 đồng chí bị thương nặng do pháo kích địch. Có đồng chí hy sinh chỉ trước một ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trại Đavít là nơi đầu tiên cắm cờ đỏ cách mạng sớm nhất…”.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trại Đavít giải tán, các cán bộ chiến sĩ trở về đơn vị cũ tiếp tục công tác. Cho đến ngày nghỉ hưu, các CCB ở lứa tuổi 70-80 vẫn là những hạt nhân nòng cốt tại các chi bộ, tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể…
Trong những ngày được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, các CCB trở về thăm Trại Đavít năm xưa, ai cũng mong có một tượng đài kỷ niệm về một thời hào hùng. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đề đạt nguyện vọng: “Trại Đavít xứng đáng là một di tích lịch sử, chúng tôi đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư xây dựng một Tượng đài kỷ niệm tại trại Đavít để tỏ lòng biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh tại đây để thế hệ trẻ học tập…”.
Thấu hiểu được nguyện vọng chính đáng này, Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7 khẳng định: “Trại Đavít trở thành biểu tượng sáng ngời của tư tưởng cách mạng tiến công và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của lực lượng vũ trang nhân dân, một sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh trên thế giới, các cán bộ, chiến sĩ thật xứng danh anh hùng, Trại Đavít cần có một đài tưởng niệm xứng đáng…”.

MINH NGỌC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét