Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng- Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên - Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân và các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: Trọng Hải |
Đến dự tại hai điểm cầu có Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng- Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam; Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên - Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân; Trung tướng Phạm Văn Dỹ - Chính uỷ Quân khu 7 và đông đảo các đại biểu, cựu chiến binh, khán giả ở hai điểm cầu và kiều bào ở nước ngoài theo dõi qua màn ảnh truyền hình.
65 năm trước, vào ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Tiếng gọi vang dậy non sông ấy đã khơi gợi mạnh mẽ truyền thống anh hùng, bất khuất, làm cho cả dân tộc ta đứng lên để bảo vệ thành quả độc lập với ý chí: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Một quyết định lịch sử đã tạo nên một trong những trang sử hào hùng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Bài hát "Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ", do NSND Quang Thọ và dàn hợp xướng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội biểu diễn. Ảnh: Trọng Hải |
Cầu truyền hình “Tiếng gọi của non sông” là một trong những hoạt động có ý nghĩa, tích cực góp phần vào việc tuyên truyền, động viên nhân dân, cán bộ thi đua phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời đây cũng là dịp để các thế hệ Việt Nam hôm nay cùng ôn lại truyền thống yêu nước của nhân dân ta.
Mở đầu chương trình, những lời ca của bài hát "Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ", do NSND Quang Thọ và dàn hợp xướng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội biểu diễn thể hiện không khí hào hùng của một thời chiến đấu kiên cường của quân và dân ta.
Tại điểm cầu Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, khu vực sân khấu cột cờ Hà Nội như một “đài lửa” thiêng liêng để thế hệ ngày nay tưởng nhớ công lao hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ đã quên mình bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm - Trưởng ban liên lạc truyền thống chiến sĩ quyết tử Liên khu I Anh hùng Hà Nội – Trung đoàn thủ đô trong buổi giao lưu. Ảnh: Trọng Hải |
Những thước phim tư liệu quý giá về một thời chiến đấu anh hùng của dân tộc được phát trong chương trình hoà trong từng lời ca, điệu nhạc vang lên tại hai điểm cầu đã để lại ấn tượng sâu sắc với đông đảo khán giả.
Để có được một Tổ quốc Việt Nam thống nhất, tươi đẹp hôm nay, chúng ta không thể quên công ơn của Đảng, Bác Hồ kính yêu và bao máu xương của những anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã chiến đấu và hy sinh trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ, gian khổ. Ca khúc “Ngày mùa”, sáng tác: Văn Cao, do tốp nữ trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội trình diễn thể hiện bản lĩnh kiên cường của người dân đất Việt trong gian khó vẫn vững lòng tin chiến thắng dựng xây Tổ quốc.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử của đấu tranh chính nghĩa: dựng nước và giữ nước. Dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng sẵn sàng đứng lên, xả thân để bảo vệ những giá trị của độc lập, tự do.
Các đại biểu tham gia chương trình. Ảnh: Trọng Hải |
Ngày 29-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ. Người xác định: “Tâm trí tôi luôn luôn bên cạnh mấy triệu đồng bào quyết chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho nền độc lập Việt Nam”.
Ngày 22-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ra Lời hiệu triệu động viên quân và dân miền Nam giữ vững và đẩy mạnh kháng chiến. Người chỉ rõ: “Kháng chiến của ta là phải toàn diện, lâu dài, triệt để vận dụng cách đánh du kích, đánh khắp nơi, “còn một tấc đất, còn một người dân thì còn chiến đấu”. Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ, Người đã tặng quân và dân Nam Bộ danh hiệu “Thành đồng tổ quốc”.
Trong đêm đông lạnh giá của ngày 18-12-1946, bên chiếc bàn nhỏ của căn phòng gác 2 tại làng Vạn Phúc (Hà Nội), những dòng chữ đầu tiên của Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến đã được Hồ Chí Minh chấp bút, khởi đầu cho cuộc kháng chiến toàn dân lịch sử.
Trong Lời kêu gọi, Bác nhấn mạnh: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt thì phải đứng lên chống thực dân Pháp. Ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến, ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”…
Tiết mục biểu diễn thể hiện tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Ảnh: Trọng Hải |
Tại buổi gặp mặt các cựu chiến binh tham gia chương trình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, các cựu chiến binh tiếp tục phát huy truyền thống của anh bộ đội Cụ Hồ và lời Bác đã căn dặn “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Đại diện cho các chiến sĩ tự vệ quyết tử Liên khu 1 năm xưa, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm - Trưởng ban liên lạc truyền thống chiến sĩ quyết tử Liên khu I anh hùng Hà Nội – Trung đoàn thủ đô bày tỏ: “Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gần 20 em thiếu niên đã trốn gia đình không đi tản cư mà tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội. Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ 60 ngày đêm bầu trời Thủ đô. Hôm nay, vì điều kiện nên nhiều đồng chí không có mặt trong chương trình nhưng trong lòng các cựu chiến binh năm xưa luôn hướng về Hà Nội. Tôi mong muốn thế hệ trẻ ngày nay “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, xây dựng Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chi Minh là lời “Hịch cứu nước”, là “Tiếng gọi của non sông”, đã tác động mạnh mẽ đến trái tim và khối óc của mọi người Việt Nam yêu nước, khơi dây mạnh mẽ truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc.
Những lời kêu gọi của Người qua mỗi giai đoạn kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn là lời hiệu triệu toàn quân và toàn dân ta vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để đi đến thắng lợi sau cùng. “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập,tự do!”.
Chương trình “Tiếng gọi của non sông” khép lại với những màn hát múa ca ngợi Tổ quốc, Đảng, Bác Hồ, thể hiện chí khí, tinh thần chiến đấu bất khuất của các thế hệ cha ông và góp phần thổi luồng sinh khí cho thế hệ ngày nay vững bước trên con đường xây dựng đất nước.
Khánh Huyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét