Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Kinh nghiệm phối hợp quản lý, giáo dục chiến sĩ mới ở Quân khu 7

Bài 3: Quan hệ đơn vị - địa phương bền chặt
QĐND - Sự gắn kết giữa đơn vị, địa phương và gia đình để giáo dục, quản lý và rèn luyện chiến sĩ mới ở Quân khu 7 không chỉ mang lại hiệu quả cao, mà còn làm cho mối quan hệ đoàn kết quân - dân thêm sâu sắc. Nhiều đơn vị trong quân khu đã đúc rút được những kinh nghiệm quý và xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, tăng cường sự gắn kết giữa đơn vị - địa phương - gia đình chiến sĩ.

Sáng tạo trong hoạt động phối hợp

Trao đổi với chúng tôi, Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 cho rằng: “Sự phối hợp giữa đơn vị, địa phương và gia đình để quản lý, giáo dục, rèn luyện chiến sĩ mới đã mang lại những kết quả tốt đẹp, qua đó giúp đơn vị và địa phương phát hiện, tuyển chọn những chiến sĩ tốt để bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ cho quân đội và địa phương sau này”.

Qua thực tế huấn luyện chiến sĩ mới của Quân khu 7 những năm qua, gần đây nhất là đợt 1 năm 2013 đã xuất hiện nhiều cách làm hay và hiệu quả. Lữ đoàn 25 Công binh tổ chức “Ngày hội quân - dân” với sự tham gia của 350 đại biểu đại diện cho chính quyền các địa phương và gia đình chiến sĩ. Trong ngày hội này, mọi người được xem các trận thi đấu bóng đá, bóng chuyền, các trò chơi và các tiết mục văn nghệ do chính các chiến sĩ mới thể hiện. Đơn vị thông báo kết quả rèn luyện, phấn đấu của chiến sĩ mới cho lãnh đạo địa phương và gia đình. Lãnh đạo các địa phương cũng thông báo tình hình kinh tế-xã hội, công tác hậu phương quân đội để đơn vị và chiến sĩ biết. Đại tá Trương Quang Châu, Chính ủy Lữ đoàn 25 Công binh cho rằng: “Ngày hội quân - dân cho phép chúng tôi trao đổi, lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các địa phương và gia đình chiến sĩ để có thêm biện pháp quản lý, giáo dục chiến sĩ mới hiệu quả hơn”.

Lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn 25 Công binh (Quân khu 7) trao đổi với thân nhân chiến sĩ mới đến thăm đơn vị.
Sư đoàn 302 tổ chức hiệu quả các cuộc đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo, chỉ huy đơn vị với lãnh đạo các địa phương và gia đình chiến sĩ mới; đối thoại giữa lãnh đạo, chỉ huy đơn vị với chiến sĩ mới sau ít ngày anh em về đơn vị. Đại tá Trương Văn Vinh, Chính ủy Sư đoàn 302 nói: “Kinh nghiệm của chúng tôi là phải giải quyết tốt những thắc mắc, lo ngại của gia đình và chiến sĩ mới, quan tâm đến các chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, để anh em yên tâm rèn luyện tốt”. Từ cách làm trên góp phần để 100% chiến sĩ mới đợt 1 năm 2013 ở Sư đoàn 302 hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có chiến sĩ vi phạm kỷ luật.

Chăm lo hậu phương chiến sĩ

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 5, Sư đoàn 302 và Lữ đoàn 25 Công binh đều nêu kinh nghiệm: Nếu đơn vị phối hợp tốt với địa phương chăm lo cho hậu phương của chiến sĩ mới, thì càng giúp anh em yên tâm phấn đấu, rèn luyện tốt. Sự chăm lo này phải thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh của từng chiến sĩ.

Nhiều năm nay, Sư đoàn 302 luôn quan hệ chặt chẽ với chính quyền các địa phương để nắm tình hình gia đình chiến sĩ mới. Những gia đình gặp khó khăn về kinh tế, đơn vị vận động cán bộ, chiến sĩ đơn vị đóng góp ủng hộ, thậm chí cử cả cán bộ về tận nơi thăm hỏi, động viên. Sư đoàn 5, Sư đoàn 302 và nhiều đơn vị của Quân khu 7 đã phối hợp với các đơn vị kết nghĩa trên địa bàn để vận động, quyên góp vật chất giúp đỡ các chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, như gia đình neo đơn, thiếu đói, cha mẹ bị bệnh…

Thông qua việc chăm lo hậu phương của chiến sĩ, các đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới của Quân khu 7 còn kết hợp làm công tác dân vận, như giới thiệu về đơn vị, chăm sóc sức khỏe, quan tâm đến đời sống của bộ đội, các chế độ chính sách đối với quân nhân, nhất là công tác phát triển Đảng, thi tuyển sinh vào các học viện, nhà trường trong quân đội, tuyển dụng vào phục vụ lâu dài trong quân đội… Nhờ vậy, chính quyền, nhân dân nhiều địa phương đã hiểu rõ hơn về môi trường quân đội; một số gia đình có con em vi phạm kỷ luật, thậm chí là đào bỏ ngũ đã động viên chiến sĩ trở lại đơn vị tiếp tục phấn đấu rèn luyện, không vi phạm kỷ luật.

Thời gian tới, nhiều đơn vị, địa phương và gia đình chiến sĩ trên địa bàn Quân khu 7 đều thống nhất phải làm phong phú hơn các hoạt động phối hợp trong giáo dục, quản lý và rèn luyện chiến sĩ nói chung, chiến sĩ mới nói riêng, như quy định thời gian thông báo tình hình rèn luyện của chiến sĩ, tổ chức hội trại quân nhân ở đơn vị; thi kể chuyện truyền thống của đơn vị, quê hương và người thân của chiến sĩ… Các đơn vị và địa phương cũng thống nhất việc thông báo chất lượng chiến sĩ mới sau thời gian huấn luyện, chất lượng chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự để phát hiện nguồn phục vụ lâu dài trong quân đội và tạo nguồn cán bộ cho địa phương. Đó cũng là những hoạt động thiết thực tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển quân, giải quyết chính sách hậu phương quân đội và tăng cường đoàn kết quân-dân. 

Bài và ảnh: PHI HÙNG - HOÀNG THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét