Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Mô hình phối hợp giữa Quân khu 7 và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

QĐND - Tháng 7-1983, Quân khu 7 và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (TĐCNCSVN) đã thống nhất những nội dung phối hợp hoạt động để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất-kinh doanh và xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh vững mạnh. Tuy nhiên, phải từ năm 2006 đến nay, những hoạt động phối hợp mới thực sự phát huy tác dụng. Trên địa bàn chiến lược miền Đông Nam Bộ - Nam Tây Nguyên, sự phối hợp giữa Quân khu 7 và TĐCNCSVN trên nhiều lĩnh vực đã mang lại hiệu quả thiết thực và là mô hình cần được nhân rộng trong cả nước.


Bộ đội Đoàn Tu Vũ (Quân khu 7) huấn luyện chiến thuật trong rừng cao su 
Từ chủ trương và nhận thức đúng đắn
Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính uỷ Quân khu 7 cho rằng: “Khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có vị trí vô cùng quan trọng về kinh tế, quốc phòng-an ninh. Địa bàn đóng quân của Quân khu 7 - vùng phên giậu của Tổ quốc, có cả biên giới trên bộ, biên giới trên biển và là nơi có diện tích trồng cao su nhiều nhất nước ta. Vì thế, việc phối hợp hoạt động với TĐCNCSVN là một chủ trương đúng đắn”. Đồng chí Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc TĐCNCSVN cũng nhận định: “Cao su thường được trồng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, nhất là dọc theo biên giới giữa Việt Nam với Cam-pu-chia và Lào. Phối hợp hoạt động với LLVT Quân khu 7 chính là để tăng cường nhiệm vụ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng-an ninh”.

Trong nhiều năm qua, ngành cao su Việt Nam đã phát triển và lớn mạnh không ngừng, kể cả về số lượng và chất lượng. Cây cao su không chỉ hiện diện trên vùng đất truyền thống là miền Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên, mà còn vươn ra nhiều tỉnh ở Bắc Trung Bộ, Việt Bắc, Đông Bắc và sang cả nước bạn Lào, Cam-pu-chia. Trên địa bàn miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên, ngành công nghiệp cao su góp phần làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của các vùng quê nghèo. Nhiều nơi trước đây là “vùng trống” ở biên giới, hay là nơi hoang vắng trong các căn cứ kháng chiến xưa, nay đã bạt ngàn cao su và trở thành những khu dân cư trù phú. Hàng triệu người dân nghèo, trong đó có nhiều hộ là đồng bào các dân tộc thiểu số đã thoát cảnh khổ cực, lam lũ và trở thành công nhân cao su có thu nhập cao, ổn định. Cây cao su và công nhân cao su gắn bó với LLVT Quân khu 7 đã tạo ra một thế trận vững chắc bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội và tạo ra những vùng phên giậu bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của đất nước.

Cùng với ngành cao su Việt Nam, LLVT Quân khu 7 luôn tích cực trong công tác xoá đói, giảm nghèo, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lực lượng và trong đội ngũ công nhân cao su, trong đồng bào các dân tộc, xây dựng thế trận quốc phòng – an ninh vững mạnh trên các địa bàn có cao su. Những hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị của mọi tầng lớp dân cư, củng cố tinh thần đại đoàn kết và lòng tự tôn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. 

Phối hợp toàn diện trên các mặt hoạt động

Qua 6 năm phối hợp, Ban chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa Quân khu 7 và TĐCNCSVN đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng nhiều kế hoạch hoạt động cụ thể, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ của hai đơn vị. Thiếu tướng Nguyễn Văn Trăm, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, đồng Trưởng ban chỉ đạo phối hợp hoạt động cho biết: “100% cán bộ, chiến sĩ trong quân khu và công nhân viên chức của TĐCNCSVN hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và các nội dung ký kết hoạt động giữa hai đơn vị. Vì vậy, hoạt động phối hợp đã đi vào chiều sâu và mang lại nhiều kết quả tốt đẹp”.

Theo văn bản đã ký kết, các đơn vị Quân khu 7 sẽ giúp TĐCNCSVN bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng, tổ chức xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng dự bị động viên trong ngành cao su khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên ngày càng vững mạnh, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống. Các lực lượng này trước hết là tham gia bảo vệ trật tự an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn và tài sản của các công ty cao su, phối hợp với lực lượng quân đội, công an giữ vững AN-QP, nhất là ở vùng biên giới. TĐCNCSVN giúp các đơn vị Quân khu 7 tư vấn về kỹ thuật trồng cao su trên một số diện tích đất đai nhàn rỗi, hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Ngoài ra, hai đơn vị còn tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, thăm hỏi nhau trong các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm của hai bên… Cơ quan báo, truyền hình Quân khu 7 và TĐCNCSVN cũng có nhiều hoạt động phối hợp để thông tin, tuyên truyền những tập thể, cá nhân có thành tích trong lao động sản xuất, trong huấn luyện, SSCĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mô hình phối hợp giữa Quân khu 7 và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (bài 1)
Lãnh đạo Sư đoàn 302 và lãnh dạo Tổng công ty Cao su Đồng Nai kiểm tra vườn cây do đơn vị quản lý.

Trong những năm qua, Đảng uỷ-BTL Quân khu 7 không chỉ xác lập những nội dung phối hợp hoạt động với TĐCNCSVN ở tầm vĩ mô, mà còn được triển khai đến tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn có trồng cây cao su. Sự phối hợp toàn diện này là một nhu cầu thực tế, giúp cho Quân khu 7 và Tập đoàn hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, để xây dựng các vườn cao su an toàn, các đơn vị tự vệ, dự bị động viên .

Ngụ binh ư... cao su

Một trong những nội dung phối hợp được Quân khu 7 và TĐCNCSVN rất quan tâm, đó là tạo nguồn quân sự và công nhân chất lượng cao cho hai bên. Đồng chí Lê Minh Châu – Phó tổng giám đốc TĐCNCSVN nói: “Quân đội rất cần có lực lượng bổ sung chất lượng hằng năm. Chúng tôi cũng rất cần được bổ sung đội ngũ công nhân giỏi để thực hiện các kế hoạch mở rộng sản xuất-kinh doanh của mình. Nếu hai bên cùng chăm lo cho các lực lượng này, sẽ góp phần tích cực để hoàn thành các nhiệm vụ của Tập đoàn cũng như của Quân khu”.

Trong những năm qua, số chiến sĩ mới bổ sung cho các đơn vị của Quân khu 7 lấy từ nguồn con em các gia đình công nhân cao su luôn bảo đảm chất lượng. Trong các đợt gọi thanh niên nhập ngũ của năm 2011 và đợt I – 2012, thanh niên trong ngành cao su luôn bảo đảm tỷ lệ tốt nghiệp THPT từ 65% đến 80%, tỷ lệ đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng chiếm từ 5% đến 9%. Nhiều thanh niên xuất thân ở các gia đình công nhân cao su đã tình nguyện phục vụ lâu dài trong quân đội. Những thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, đã được các công ty cao su ưu tiên tuyển chọn vào làm công nhân. Đây cũng là lực lượng tốt để bổ sung cho các đơn vị tự vệ, đơn vị dự bị động viên. Nói như Trung tướng Phạm Văn Dỹ thì đó là cách “Ngụ binh ư... cao su”.

Bài và ảnh: Sĩ Bình – Phi Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét