Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

“Mùa xuân người cầm súng, lộc giắt đầy trên lưng…”


Mùa xuân luôn là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca, nhưng phải là người trong cuộc thì tâm hồn lãng mạn của nhà thơ Thanh Hải mới cho ra đời một câu thơ hay như vậy về mùa xuân và người chiến sĩ. Cũng với chủ đề ấy, nhân dịp đầu năm mới, những người làm báo Quân khu 7 được Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7 dành thời gian trao đổi cởi mở, chân tình. 
Ảnh minh họa
Trung tá Ngô Xuân Giang: Xin cảm ơn đồng chí Chính ủy quân khu đã dành thời gian cho phóng viên Báo Quân khu 7! Chủ đề trong câu chuyện hôm nay là mùa xuân và người chiến sĩ, lời đầu tiên xin được hỏi Chính ủy: trong lịch sử dân tộc Việt Nam có rất nhiều mùa xuân mà hình ảnh những người lính trực tiếp bảo vệ Tổ quốc hiện ra nổi bật, ở góc độ một vị tướng, một nhà chính trị quân sự, mùa xuân nào gây ấn tượng mạnh với đồng chí?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của sự gắn bó giữa dựng và giữ nước, người lính Việt Nam những người nông dân được tập hợp dưới ngọn cờ chính nghĩa qua các triều đại để giữ từng ngọn rau, tấc đất của cha ông và đến nay những người lính kiểu mới của thời đại Hồ Chí Minh chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì cuộc sống của nhân dân. Trong suốt chiều dài lịch sử hình ảnh người lính, người chiến sĩ xông pha trên chiến trận bao giờ cũng là hình tượng trung tâm của lòng dũng cảm, đức hi sinh, sự xả thân cho Tổ quốc.
Nếu như nhắc đến những người lính “cùng hành quân giữa mùa xuân” đẹp nhất, tiêu biểu nhất, nhìn xa hơn một chút phải nhắc tới Xuân Kỷ Dậu năm 1789 khi người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. Với tầm nhìn chiến lược, chọn thời cơ tấn công địch vào chính những ngày Tết Nguyên đán, lúc mà địch sau khi chiếm Thăng Long một cách dễ dàng và đang mất cảnh giác cao độ. Để rồi đúng như lời hẹn của vua Quang Trung, mùng 5 Tết cổ truyền hợp quân tại Thăng Long cùng nhân dân khao quân mừng chiến thắng kết thúc vẻ vang chiến dịch mà chỉ với quân số bằng một phần ba so với địch. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa thể hiện tài năng chỉ huy quân sự kiệt xuất và khả năng tập hợp quần chúng nhân dân tài tình của vua Quang Trung. Đã có rất nhiều hội thảo khoa học bàn về việc đạo quân vừa cơ động thần tốc, vừa tuyển mộ binh lính, vừa huấn luyện và khi xung trận đã chiến thắng kẻ thù đông hơn gấp nhiều lần. Khi nhắc đến cuộc tiến quân ra Bắc lần thứ ba của Quang Trung, tôi thường nghĩ về hình ảnh nhân dân các địa phương mang bánh chưng, thịt… những thực phẩm họ chuẩn bị cho ngày tết ra khao quân sĩ. Nhân dân vùng Thăng Long còn đem cả cánh cửa, ván nằm của mình ra cho quân Tây Sơn làm khiên, mộc. Đó là hình ảnh tiêu biểu về một quân đội của dân và bài học đó đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Gần hơn, ngay trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quân đội nhân dân Việt Nam có 2 mùa xuân oanh liệt, đó là cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975. Đối với cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân đội ta đã đánh thẳng vào sào huyệt kẻ thù, khiến dư luận thế giới bất ngờ, kẻ thù khiếp sợ. Chiến dịch Mậu Thân 1968 khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn, lòng yêu nước, ý chí quật cường của quân và dân ta, khẳng định nghệ thuật chiến tranh nhân dân tiêu biểu của Việt Nam, khả năng vận dụng thời cơ của Bộ Chính trị. Tuy cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 chưa đạt được ý định cuối cùng nhưng chính nó đã tạo bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh, “làm thất bại chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ”, buộc chúng phải đàm phán với ta tại Pa-ri. Còn đối với Đại thắng mùa Xuân năm 1975 không một con dân đất Việt nào không tự hào, nó đã đi vào lịch sử như một chiến công vĩ đại nhất trong thế kỷ XX, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là kết tinh của lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc; phương pháp, đường lối cách mạng đúng đắn, khoa học, kết hợp hài hòa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Lần đầu tiên một dân tộc thuộc địa dưới sự lãnh đạo của một Đảng cộng sản chân chính đã đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ (Pháp) và chủ nghĩa thực dân mới (Mỹ), góp phần quan trọng đẩy mạnh phong trào cách mạng trên toàn thế giới. Những mùa xuân mà tôi vừa nhắc tới là niềm kiêu hãnh của dân tộc nhưng cũng là niềm kiêu hãnh riêng đối với mỗi người lính chúng ta. Tôi cho rằng chúng ta cần phải thường xuyên nhắc lại, thường xuyên giáo dục cho từng chiến sĩ để mà tự hào, để mà củng cố niềm tin và cũng là để xác định rõ trách nhiệm của mình.
Thiếu tá Lại Thế Hiền: Nói đến ngày xuân, ngày Tết là nói đến sự sum họp gia đình, vui chơi, lễ hội. Trong lực lượng vũ trang quân khu có đến tám, chín mươi phần trăm là chiến sĩ trẻ, mà người trẻ thì nhu cầu sum họp, vui chơi, lễ hội cũng cao hơn, nhưng người chiến sĩ lại phải trực sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị. Chính ủy có cho rằng đây là bài toán khó?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Bài toán này năm nào đội ngũ cán bộ các cấp trong LLVT quân khu cũng cùng với những người lính trẻ của mình giải được, nó được thể hiện qua mức độ hoàn thành nhiệm vụ trực cao điểm Tết Nguyên đán hàng năm của từng đơn vị. Nói ví von thì như vậy, thực tế tôi và các đồng chí trong Bộ Tư lệnh quân khu, đội ngũ cán bộ các cấp, kể cả cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương thực hiện cùng ăn tết, vui tết, chơi tết, cùng sẵn sàng chiến đấu với anh em chiến sĩ, và khi ấy điểm rơi của lời giải chính là tâm sự rất thật của họ rằng tuy cũng có phần nhớ nhà nhưng ai cũng xác định họ chỉ có một lần duy nhất trong đời được hòa mình vào không khí mừng năm mới trong môi trường quân ngũ, đó là kỷ niệm không bao giờ quên nên thay vì trốn tránh họ hưởng thụ nó. Về mặt tâm lý thì thế, về góc độ trách nhiệm, thật đáng mừng khi ai cũng nhận thức được rằng họ chính là lực lượng nòng cốt bảo vệ cho nhân dân đón tết, mừng xuân yên bình, tất nhiên trong đó có gia đình họ. Cũng cần nói thêm về công tác quản lý, chỉ huy những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân khu và Đảng ủy, chỉ huy các cấp đặc biệt quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội mỗi dịp tết đến xuân về. Quan điểm của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân khu là cấp đại đội, cấp tiểu đoàn phải thực sự là một gia đình, một ngôi nhà chung. Đội ngũ cán bộ phải xây dựng kế hoạch đón tết cổ truyền cụ thể, chu đáo vừa bảo đảm nét văn hóa của dân tộc vừa bảo đảm tính đặc sắc của môi trường quân đội và mỗi chiến sĩ không chỉ đơn thuần là thành viên mà họ cũng phải gắn bó, lo lắng, vun đắp cho cái gia đình ấy.
Trung tá Ngô Xuân Giang: Nhưng giả sử - thưa Chính ủy: nếu như Tết Nguyên đán năm nay, Chính ủy được báo cáo có trường hợp chiến sĩ tự ý bỏ đơn vị, bỏ vị trí chiến đấu, Chính ủy sẽ nghĩ gì?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Tất nhiên không ai vui, kể cả người chiến sĩ trong cái “giả sử” ấy khi anh ta đang gắn trọng trách của người lính giữ nước lại từ bỏ cái đại hiếu, cái tết của người lính thời bình để đi tìm cái cá nhân, cái nhỏ nhen! Không vui vì chiến sĩ đó chưa vượt qua cái riêng tư của mình và không vui vì đơn vị quản lý chưa giúp cho đồng chí đó vượt qua cái riêng tư ấy! Có điều tôi mong rằng đó chỉ là “giả sử” mà thôi! Tôi không muốn so sánh chuyện ngày xưa mà cán bộ, chiến sĩ giải phóng quân đã trải qua hàng chục mùa xuân chiến trường và kể cả những đồng đội chúng ta đã ngã xuống trong mùa xuân đất nước. Đó là chuyện của thời chiến tranh. Còn nay, ngoài ý nghĩa hưởng thụ, cái tết trong mùa xuân thời bình còn là một chút đóng góp, một chút hi sinh và đó là chuyện của cán bộ, chiến sĩ chúng ta ngày nay.
Thiếu tá Lại Thế Hiền: Lâu nay người ta thường bắt gặp hình ảnh Chính ủy ôm đàn hát cho chiến sĩ nghe, một hình ảnh rất gần gũi và dung dị, Tết Nguyên đán năm nay, chắc chắn Chính ủy vẫn sẽ là một “nhạc công” phục vụ cho bộ đội chứ? 
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Tôi nghĩ là không cần và không nên có cái khoảng cách giữa đội ngũ cán bộ với chiến sĩ và thật ra cây đàn ghi-ta cũng chỉ là một phương tiện của tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc được đàn cho họ nghe, bởi vì trong không khí ấy, bên những con người ấy, tôi thấy mình trẻ lại, tâm hồn khoáng đạt hơn. Không phải riêng năm nay mà năm nào cũng vậy, các đồng chí trong Bộ Tư lệnh đều chia nhau đến đón giao thừa cùng bộ đội ở các đơn vị cơ sở. Tất nhiên tôi vẫn đem theo cây đàn và điều kiện cho phép, tôi sẵn sàng đệm đàn cho họ hát.
Trung tá Ngô Xuân Giang: Thưa đồng chí Chính ủy, được biết ngay sau cuộc trò chuyện này đồng chí sẽ có buổi nói chuyện thời sự biển, đảo cho cán bộ, đoàn viên thanh niên thành phố Hồ Chí Minh và sinh viên Trường Đại học mở, đây là việc làm thường xuyên của đồng chí trong thời gian qua đối với các đối tượng cán bộ, cựu chiến binh, nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đồng chí có thể tâm sự đôi điều vấn đề này? 
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Cảm nhận đầu tiên của tôi đó là hiện nay các nguồn thông tin chính thống, cơ bản về biển, đảo đến với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quân khu còn quá ít. Ai cũng biết và ai cũng nói quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là của Việt Nam nhưng vấn đề là luận chứng, luận cứ từ lịch sử, từ tư liệu trong nước và quốc tế cần phải được cung cấp một cách khách quan. Lịch sử chỉ có một. Tôi muốn đóng góp một chút công sức giúp mọi người có đủ chứng cứ lịch sử, chứng cứ pháp lý để đấu tranh với các luận điệu sai trái, đồng thời giúp mọi người có ý thức bảo vệ, giữ gìn biển, đảo, và quan trọng hơn là biết ứng xử tốt giữa trách nhiệm giữ bờ cõi với giữ ổn định chính trị, giữ mối quan hệ bang giao, hòa bình với các nước trên thế giới cũng như trong khu vực. Tôi nghĩ đây không phải là trách nhiệm của riêng ai mà tôi và mỗi cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 7 đều phải có trách nhiệm tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về biển, đảo, từ đó xây dựng tình yêu với biển đảo quê hương, hướng về biển, đảo nhiều hơn nữa đặc biệt là quan tâm đến những chiến sĩ đang ngày đêm vững tay súng nơi đầu sóng ngọn gió.
Thiếu tá Lại Thế Hiền: Trước thềm năm mới, đồng chí Chính ủy muốn nhắn nhủ gì đến thế hệ trẻ nói chung và tuổi trẻ LLVT quân khu nói riêng?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Thế hệ trẻ ngày nay được sống trong môi trường thuận lợi, có đủ điều kiện để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, luôn được cập nhật những kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến. Quy luật tự nhiên là anh được hưởng thụ những điều tốt đẹp từ gia đình và xã hội, từ thành quả cách mạng của dân tộc, của đất nước thì anh phải có trách nhiệm bảo vệ, phát triển cái gốc đó. Người ta dễ thực hiện ước mơ, hoài bão, nhất khi người ta trẻ, khi người ta đang tràn đầy sinh lực, thế thì tại sao không mơ ước, không cống hiến, không thực hiện những điều có ích cho gia đình, xã hội? Chính điều đó là thể hiện lòng yêu nước. Thời gian vật lý như nó vốn có nhưng thời gian tâm lý mỗi người khác nhau, ở độ tuổi của tôi thì tuổi xuân như “viên đạn ngang trời”, với các bạn trẻ thì nó đi chậm hơn. Chính lúc ấy phải tận dụng nó, tranh thủ nó để học tập, rèn luyện, phấn đấu một cách có kế hoạch, có hiệu quả để tích lũy vốn liếng cho cuộc đời, đừng để dù chỉ một ngày của thời trai trẻ trôi qua lãng phí. Cũng xin lưu ý các bạn trẻ hiện nay là còn cần phải có con mắt tinh tường để nhận diện cái xấu, cái tiêu cực, để cho sức trẻ của mình phục vụ cái xấu thì hệ quả gây ra cho xã hội sẽ khôn lường, trong khi cái xấu, cái tiêu cực mỗi ngày nó càng được biểu hiện một cách tinh vi. Đối với tuổi trẻ LLVT Quân khu 7, những thanh niên được tuyển chọn kỹ lưỡng ở từng địa phương, ngoài những điều trên thì họ đang có trong tay cơ hội cống hiến, bởi vì họ đang ở vị trí rất đỗi tự hào là người chiến sĩ cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Mọi việc làm của họ, của thế hệ trẻ giữ nước hôm nay sẽ được lịch sử đánh giá.
Xin cảm ơn đồng chí Chính ủy!
LẠI THẾ HIỀN (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét