Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Cầu truyền hình trực tiếp “Bản hùng ca mùa xuân”


QĐND - Trong những ngày giáp Tết Quý Tỵ, các hoạt động kỷ niệm 45 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 làm cho không khí chuẩn bị đón Xuân ở các tỉnh, thành phố phía Nam thêm rộn rã, hấp dẫn. Một trong những hoạt động ấn tượng là Chương trình cầu truyền hình “Bản hùng ca mùa xuân” do Bộ tư lệnh Quân khu 7, UBND và đài truyền hình các tỉnh, thành: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thừa Thiên -– Huế phối hợp với Báo Quân đội nhân dân tổ chức vào tối 2-2. Tham dự cầu truyền hình có đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; các đồng chí đại diện cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố có điểm cầu truyền hình; lãnh đạo Quân khu 4, Quân khu 7 và Quân khu 9; các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng LLVTND, các cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cùng đông đảo bè bạn quốc tế và nhân dân tại các điểm cầu.
Những trận đánh để đời      
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, những trận đánh oanh liệt của lực lượng biệt động và quân chủ lực bao giờ cũng gây ấn tượng lớn cho chúng ta. Và trên Cầu truyền hình trực tiếp “Bản hùng ca mùa xuân”, hình ảnh các trận đánh vào Tòa Đại sứ Mỹ, Đài Phát thanh Sài Gòn, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn - Gia Định); Lộ Vòng Cung (Cần Thơ); Cố đô Huế… đã làm người xem hết sức ngưỡng mộ, thán phục bởi tinh thần chiến đấu thông minh, quả cảm, quyết thắng của các chiến sĩ biệt động và các cánh quân giải phóng. Những trận đánh ấy đã tạo thành bão táp cách mạng trên khắp miền Nam quét vào các mục tiêu quan trọng của địch.

Rạng sáng Mồng Hai Tết Mậu Thân, lực lượng biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định chỉ có 88 người, chia làm 5 cánh vào các mục tiêu quan trọng của Mỹ - ngụy. 15 chiến sĩ của Đội biệt động 11, đi trên hai xe ô tô do đồng chí Ba Đen chỉ huy đã nhanh chóng áp đánh vào Tòa Đại sứ Mỹ. 14 chiến sĩ Đội 5 biệt động do đồng chí Ba Thanh chỉ huy, bất ngờ tấn công Dinh Độc Lập và cố thủ được một ngày đêm. 24 chiến sĩ của Đội 8 và Đội 9 biệt động do đồng chí Ba Phong chỉ huy tiến công dũng mãnh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy. Nhóm 11 chiến sĩ biệt động do đồng chí Năm Lộc chỉ huy, chia làm hai mũi đánh chớp nhoáng chiếm được đài phát thanh của địch chỉ sau gần 20 phút. Các chiến sĩ biệt động và quân giải phóng đã thọc sâu vào sân bay Tân Sơn Nhất, tạo nên “Dáng đứng Việt Nam, tạc vào thế kỷ”. Rồi những trận đánh biến hóa, ác liệt ở Lộ Vòng Cung (Cần Thơ), nội đô Huế đã đưa người xem hết sức tự hào. Ông Trần Văn Yên (Tư Yên), nguyên là chiến sĩ biệt động Sài Gòn nói: “Chiến đấu trong hoàn cảnh địch đông, ta ít, nhưng chúng tôi không lùi bước. Anh em tinh thần cao cả lắm, quyết tâm đánh đến giọt máu cuối cùng”.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (ngoài cùng bên trái) và Thiếu úy Vũ Minh Nghĩa (ngoài cùng bên phải) kể lại những câu chuyện chiến đấu tại Dinh Độc Lập Xuân Mậu Thân 1968.
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) và Thiếu úy Vũ Minh Nghĩa (Chính Nghĩa) là người đã có mặt tại Dinh Độc Lập ngày Mồng Hai Tết Mậu Thân 1968 chia sẻ với mọi người nhiều câu chuyện, trong đó có chuyện về hai phát súng lạ. Đại tá Tư Cang nói: “Lúc đó tui còn hoạt động bí mật. Thấy anh em mình đang bị địch bao vây rất gắt gao, tôi đã liều bắn hai phát súng tiêu diệt hai tên đầu sỏ của địch, kéo địch về phía mình để anh em có thời gian nghỉ ngơi và xử lý tình huống kịp thời”. Câu chuyện của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 trong Xuân Mậu Thân 1968 càng làm cho người xem thêm cảm phục tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ quân giải phóng. Với hơn một vạn quân, đợt 1 đảm nhiệm đánh vòng ngoài và đợt 2 đánh vào nội đô, Sư đoàn 9 đã làm cho quân địch ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung, Thủ Đức và nhiều mục tiêu quan trọng khác phải thất điên, bát đảo.
Trên mặt trận Cần Thơ, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (Ba Ngay) đã kể lại cho mọi người nghe những câu chuyện cảm động về tình quân dân trong chiến đấu. Nhân dân nhường cơm sẻ áo để bộ đội có sức khỏe đánh giặc, bám trụ đến cùng để ngăn địch càn quét…
Thế trận lòng dân
45 năm trôi qua, nhưng Chương trình cầu truyền hình “Bản hùng ca mùa xuân” đã tái hiện "Thế trận lòng dân" trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đây Cố đô Huế, kia vùng đất Tây Đô Cần Thơ. Và Sài Gòn - Gia Định năm xưa, nay là TP Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng vẫn còn ghi dấu hình ảnh các mẹ, các chị, những đoàn sinh viên - học sinh xuống đường biểu tình, phối hợp cùng với bộ đội chủ lực chiến đấu với quân thù. Lời ca của bài hát “Bão nổi lên rồi” của nhạc sĩ Trọng Bằng, như thôi thúc người xem, khiến họ cảm giác như mình đang được tham gia chiến đấu trong những ngày máu lửa. Hình ảnh cô gái Sài Gòn đi tải đạn; những chiến sĩ biệt động được nhân dân nuôi giấu, dẫn đường; những nhà dân ở Huế, Cần Thơ, Sài Gòn - Gia Định đào hầm chứa vũ khí, đạn dược; những người dân băng qua bom rơi, đạn nổ để cấp cứu, che giấu thương binh, liệt sĩ... tất cả đã tạo lên một “Thế trận lòng dân” vô cùng vững chắc và cảm động.
Thông qua câu chuyện của các nhân chứng và hình ảnh trên cầu truyền hình, ký ức về tiểu đội 11 cô gái sông Hương cùng bộ đội chủ lực đánh chặn cả một tiểu đoàn Mỹ, chiếm giữ thành phố 26 ngày đêm và các vùng phụ cận, được Bác Hồ làm thơ khen. Đến nay, nhiều người dân ở xã Vĩnh Lộc (Bình Chánh - TP Hồ Chí Minh) vẫn không quên sự hy sinh anh dũng của các dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Và bài hát “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” của nhạc sĩ Xuân Hồng đã thể hiện sinh động tinh thần hy sinh cao cả ấy. Đúng như lời nói của Đại tá Huỳnh An, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6 (Mặt trận Thừa Thiên - Huế): “Nếu không có nhân dân, có dân công hỏa tuyến, chúng tôi không thể đánh sâu, đánh lâu và giành chiến thắng được”. Còn nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (nguyên Phó chỉ huy Mặt trận Cánh Bắc Huế năm 1968 thì khẳng định: “Dân ta rất giàu lòng yêu nước, giúp đỡ bộ đội rất nhiệt tình. Không có dân thì không giải quyết được những vấn đề phức tạp. Dân nuôi giấu bộ đội. Dân chiến đấu cùng bộ đội”. Ở xã An Tịnh (Trảng Bàng, Tây Ninh), nhân dân còn đùm bọc, nuôi dưỡng hơn 800 thương binh trong các trận đánh.
Chiến công vang vọng tới mai sau
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một sự kiện lịch sử, đưa cách mạng Việt Nam lên một tầm cao mới, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Giôn – xơn phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đám phán tại Hội nghị Pa-ri để bàn việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 đến Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, rút hết quân về nước. Đó chính là những “Bản hùng ca mùa xuân” để quân và dân ta làm nên chiến thắng trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, giờ đây Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ… và cả miền Nam đã thay da đổi thịt rất nhiều. Những chiến trường xưa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nay đã là những đô thị sầm uất, hiện đại, những khu chế xuất - khu công nghiệp tầm cỡ khu vực, góp phần to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Bạn Vũ Thị Mỹ Lan - sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Hoa Sen, quê ở Trà Vinh tâm sự: “Rất hiếm khi chúng em có cơ hội được tham dự một cầu truyền hình trực tiếp tại trung tâm Thành phố. Em rất khâm phục thế hệ cha anh đi trước, hy sinh tất cả cho giải phóng và thống nhất đất nước”. Còn Trung tướng Phạm Văn Dỹ - Chính ủy Quân khu 7 thì nói rằng: “Ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên giá trị. Đó là động lực mạnh mẽ để chúng ta sống và làm việc sao cho xứng đáng với truyền thống vẻ vang của dân tộc, của những người đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp mọi nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc giỏi
Tiến lên, toàn thắng ắt về ta”.
Lời thơ chúc Tết của Bác Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn vang vọng đến tận hôm nay và mai sau. Đó là lời kêu gọi hiệu triệu, cổ vũ cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, phát triển, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Bài và ảnh: PHI HÙNG-DUY MINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét