Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

Thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong lực lượng vũ trang Quân khu 7


(Bqp.vn) - Thực hiện dân chủ ở cơ sở là trách nhiệm chính trị của mọi tổ chức, cá nhân, nhất là của cấp ủy và cán bộ chủ trì các cấp. Đối với Quân khu 7, thực hiện tốt công tác này là “chìa khoá” để tiến hành có hiệu quả công tác tư tưởng, góp phần xây dựng Đảng bộ Quân khu trong sạch, vững mạnh, lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh toàn diện.
Phút giải lao của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5, Quân khu 7 trên thao trường.

Thực hiện dân chủ cơ sở (DCCS) là một đòi hỏi khách quan, một việc làm xuyên suốt trong quá trình xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) thời kỳ mới. Thông qua tổ chức thực hiện DCCS, lãnh đạo, chỉ huy các cấp nắm chắc thực chất tình hình, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ; trên cơ sở đó, đề ra những giải pháp thực hiện dân chủ về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa - tinh thần, bảo đảm sự công bằng, giữ vững ổn định đơn vị, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Nhận thức rõ điều đó, ngay sau khi Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) ban hành Chỉ thị 590-CT/ĐUQSTW về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế DCCS trong quân đội”, Thường vụ Đảng ủy Quân khu nghiêm túc quán triệt, kịp thời ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo và ban hành Chỉ thị 151-CT/ĐU; Cục Chính trị Quân khu có Hướng dẫn 1927/HD-CT về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quy chế DCCS trong LLVT Quân khu”; đồng thời, chỉ đạo cấp ủy các cấp ra nghị quyết chuyên đề, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện sát với đặc điểm địa bàn và tình hình nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Để việc thực hiện Quy chế DCCS thường xuyên đi vào nền nếp, mang lại hiệu quả thiết thực, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã thành lập Ban Chỉ đạo (do đồng chí Phó Chính ủy Quân khu làm Trưởng ban, Phòng Dân vận Quân khu làm cơ quan thường trực); 100% đầu mối đảng bộ trực thuộc đều phân công đồng chí thường trực cấp ủy trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Hoạt động của Ban Chỉ đạo tập trung vào kiểm tra nhận thức, tình hình triển khai, tổ chức thực hiện DCCS; việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy định để đảm bảo dân chủ trong lãnh đạo, chỉ huy và trong mọi sinh hoạt của bộ đội. Thường vụ Đảng ủy Quân khu yêu cầu việc thực hiện Quy chế DCCS phải được tổ chức nghiêm túc, đa dạng, sáng tạo, đúng quy định đã ban hành; gắn với làm tốt công tác tư tưởng, đổi mới phương pháp, tác phong công tác, sâu sát cơ sở, cấp dưới, nhằm kịp thời nắm bắt tình hình chung, không để những đột biến xảy ra. Cấp ủy các cấp thường xuyên kiểm tra, phát hiện những hạn chế, thiếu sót để có giải pháp khắc phục; chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cách làm hay, mô hình, đơn vị điểm về thực hiện Quy chế DCCS ở từng loại hình cơ quan, đơn vị từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng trong toàn Quân khu.
Với những chủ trương, giải pháp sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Quy chế DCCS, tình hình mọi mặt của Quân khu có nhiều chuyển biến; chính trị, tư tưởng bộ đội ổn định; phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tác phong công tác của người chỉ huy có đổi mới; tình hình vi phạm kỷ luật (nhất là kỷ luật nghiêm trọng), các biểu hiện tiêu cực, thiếu dân chủ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng dân chủ để vụ lợi cá nhân ở các đơn vị đã giảm rõ rệt; quyền lợi làm chủ của mọi quân nhân được đảm bảo; mối quan hệ đoàn kết, thống nhất trong nội bộ và đoàn kết quân - dân ngày càng được tăng cường; tỷ lệ tổ chức đảng đạt trong sạch, vững mạnh, đơn vị đạt vững mạnh toàn diện hàng năm đều tăng; chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT Quân khu được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Quy chế DCCS trong LLVT Quân khu 7 vẫn còn những hạn chế. Mối quan hệ gắn bó giữa cấp trên với cấp dưới, cán bộ với chiến sĩ, cơ quan, đơn vị với các ban, ngành, đoàn thể địa phương ở một số nơi chưa thực sự vững chắc. Việc đấu tranh tự phê bình, phê bình, thực hiện dân chủ ở một số nơi còn có biểu hiện hình thức. Vai trò tham mưu của cơ quan chức năng, các tổ chức quần chúng cho cấp ủy, chỉ huy trong tổ chức thực hiện DCCS chưa đáp ứng với thực tiễn; sinh hoạt đối thoại dân chủ ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức và chưa trở thành nền nếp... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song chủ yếu vẫn là do nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về thực hiện Quy chế dân chủ còn hạn chế; công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện DCCS của một số cấp ủy, người chỉ huy còn chung chung; biện pháp tổ chức thực hiện chưa thực sự sáng tạo, phù hợp.
Để khắc phục những hạn chế, tạo sự thống nhất, hiệu quả cao trong thực hiện Quy chế DCCS trong LLVT Quân khu, vừa qua, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quy chế DCCS; trong đó, phân tích, làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, xác định phương hướng, giải pháp cho những năm tiếp theo. Theo đó, thực hiện Quy chế DCCS phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp về mọi mặt của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy đơn vị; phải được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, các mặt hoạt động ở cơ sở. Đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm ở từng cơ quan, đơn vị. Để thực hiện tốt chủ trương trên, đòi hỏi phải có sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức trong LLVT Quân khu cũng như với cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành các địa phương trên địa bàn Quân khu; trong đó, cần tập trung vào một số nội dung sau:
1- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng và quần chúng nhân dân trên địa bàn, trước hết là cấp ủy, người chỉ huy các cấp về vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện Quy chế DCCS. Các cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi cán bộ, đảng viên, quân nhân, công nhân viên chức và quần chúng nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện Quy chế DCCS. Thông qua các hình thức học tập chính trị, sinh hoạt đảng, chính quyền, sinh hoạt của các tổ chức quần chúng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện công tác dân vận, giao ban vành đai với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp tập trung quán triệt, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu về thực hiện Quy chế DCCS, nhất là Chỉ thị 590-CT/ĐUQSTW, Chỉ thị 151-CT/ĐU của Thường vụ Đảng ủy Quân khu về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Quy chế DCCS”. Việc thực hiện Quy chế DCCS cần được kết hợp chặt chẽ với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; trong đó có việc “làm theo” tấm gương của Bác về thực hành dân chủ. Đồng thời, tập trung khắc phục những nhận thức lệch lạc, cho rằng: thực hiện Quy chế DCCS là việc của Hội đồng quân nhân (HĐQN); hoặc nhầm lẫn giữa thực hiện quy chế đối thoại dân chủ với Ngày Chính trị - văn hoá - tinh thần... Qua đó, làm cho cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, đảng viên, quân nhân, công nhân viên chức trong toàn Quân khu nhận thức rõ: DCCS phải được thể hiện trong công việc thường ngày ở các cơ quan, đơn vị; không thể có tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện nếu như không có sự vận hành của Quy chế DCCS ở từng đơn vị. Trên cơ sở nhận thức đúng, phát huy tinh thần trách nhiệm, đề cao quyền làm chủ trên tất cả các mặt hoạt động, LLVT Quân khu đưa thực hiện Quy chế DCCS vào nền nếp, trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày. Qua đó, phát huy được trí tuệ tập thể, tạo sự thống nhất, đồng thuận của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn.
2- Thực hiện tốt dân chủ trong hoạt động lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của người chỉ huy. Phát huy dân chủ sẽ góp phần tăng cường sự đoàn kết ở mỗi cấp ủy, đơn vị. Song để có sự đoàn kết vững chắc, người lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải là trung tâm gắn kết sự đoàn kết ấy. Sự đoàn kết, gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là mệnh lệnh không lời để cấp dưới noi theo. Đây cũng chính là cách để tập hợp sự đoàn kết nhanh nhất, hiệu quả nhất. Thực tiễn chỉ ra rằng, để giữ vững ổn định đơn vị, đề cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phải giải quyết hài hòa các mối quan hệ: tập thể với cá nhân, cấp trên với cấp dưới; khắc phục mọi biểu hiện như: cấp ủy bao biện, làm thay việc của người chỉ huy, người chỉ huy không phát huy hết vai trò của người chủ trì về chính trị. Thực tế trên địa bàn Quân khu 7 thời gian qua cho thấy, vẫn còn hiện tượng người chủ trì về chính trị (ở các cơ quan quân sự địa phương, bệnh viện, trường học, đoàn, trạm…) chưa nhận thức được vai trò, chức trách, nhiệm vụ của mình, còn thiếu tự tin, ỷ lại, phó mặc cho người chỉ huy. Ngược lại, ở một số đơn vị, người chỉ huy còn có biểu hiện coi nhẹ vai trò của người chủ trì về chính trị; sự phối kết hợp ở một số cơ quan quân sự địa phương với cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế. Trước thực trạng đó, ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu lần thứ VIII, Thường vụ Đảng ủy Quân khu yêu cầu các cấp thực hiện tốt phương châm: cấp trên và đảng viên gương mẫu thực hành dân chủ trước; trong đó, chú trọng thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa cấp ủy, chính ủy, chính trị viên với người chỉ huy trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ đã được xác định. Cán bộ chủ trì phải tôn trọng và lắng nghe ý kiến đóng góp của cấp dưới để nghiên cứu, bổ sung vào chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; khắc phục mọi biểu hiện của tư tưởng gia trưởng, áp đặt một chiều, đề cao vai trò cá nhân, xa rời quần chúng, cấp dưới. Đồng thời, phát huy vai trò “cặp đôi” cán bộ chủ trì (bí thư với người chỉ huy) là hạt nhân của sự đoàn kết, trụ cột trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của các cơ quan, đơn vị. Để làm được điều đó, các cấp chú trọng xây dựng, hoàn thiện, bổ sung quy chế lãnh đạo, chỉ huy và các chương trình, kế hoạch công tác tuần, tháng, quý, năm. Phải phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng cán bộ trong hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, đảm bảo trên từng lĩnh vực, từng mặt công tác phải có sự lãnh đạo, phụ trách chuyên sâu và có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ trong lãnh đạo, tạo môi trường đoàn kết, thống nhất cao trong đảng bộ, chi bộ và cơ quan, đơn vị.
3- Phát huy quyền dân chủ của cán bộ, chiến sĩ thông qua đối thoại dân chủ, qua các hoạt động của HĐQN và các tổ chức quần chúng trong đơn vị. Theo đó, cần duy trì có nền nếp sinh hoạt HĐQN, Ngày Chính trị - văn hóa - tinh thần, Ngày Pháp luật, Ngày Đảng để cán bộ, chiến sĩ nói lên được những suy nghĩ của mình và đề đạt những nguyện vọng cần thiết. Đây cũng là dịp để các cấp lắng nghe, tiếp thu và giải quyết những vướng mắc, đảm bảo quyền dân chủ cho các đối tượng trong cơ quan, đơn vị. Các nội dung thực hiện dân chủ về: quân sự và chuyên môn, chính trị, kinh tế và đời sống phải được đưa ra trao đổi, thảo luận một cách dân chủ, cởi mở, tạo điều kiện cho mọi người bộc lộ hết những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất những ý kiến hay nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trên các lĩnh vực công tác. Các đơn vị cần tạo điều kiện để HĐQN, các tổ chức quần chúng hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, thực sự là cầu nối giữa cấp ủy, cán bộ chủ trì với cán bộ, chiến sĩ. Các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, yêu cầu xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, công tác tài chính, hậu cần, kỹ thuật... đều phải được bàn bạc dân chủ và phổ biến đến từng cán bộ, chiến sĩ. Hàng tháng, với phương châm “Nghe bộ đội nói, nói cho bộ đội hiểu”, cán bộ chủ trì các cấp tiến hành đối thoại với đảng viên, sĩ quan trẻ và chiến sĩ; đảm bảo mọi người đều được biết, được tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của đơn vị; khắc phục những biểu hiện vi phạm quyền dân chủ hoặc dân chủ hình thức, lợi dụng dân chủ để thực hiện ý đồ cá nhân. Qua đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp kịp thời nắm bắt và giải quyết các vấn đề vướng mắc và tâm tư, nguyện vọng của bộ đội; đồng thời, tiếp thu những ý kiến tâm huyết, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ đóng góp xây dựng đơn vị.
4- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, kịp thời động viên, khen thưởng; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành địa phương, đơn vị kết nghĩa và gia đình quân nhân trong thực hiện Quy chế DCCS. Theo đó, lấy kết quả xây dựng và thực hiện Quy chế DCCS là một trong những tiêu chuẩn để xem xét, đánh giá cán bộ, tổ chức đảng, đảng viên và bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm. Đồng thời, phải chú trọng gắn chặt việc thực hiện Quy chế DCCS với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Mặt khác, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong LLVT Quân khu phải phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các sở, ban ngành địa phương tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực thực hiện Quy chế DCCS ở xã (phường, thị trấn); cùng địa phương xác minh, kết luận, giải quyết kịp thời, chính xác những đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực quốc phòng - an ninh trên địa bàn; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và “3 bình cử, 4 công khai” trong bình chọn, xét tuyển gọi quân nhân nhập ngũ; kết hợp chặt chẽ giữa công tác thanh tra quốc phòng với làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng trên địa bàn thực hiện tốt Quy chế DCCS, góp phần xây dựng tình đoàn kết quân - dân và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với đơn vị.
Trung tướng, ThS Phạm Văn Dỹ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 (Nguồn: Tạp chí QPTD)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét