Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Tăng sức lãnh đạo, phối hợp nhịp nhàng, tham mưu đúng, trúng

QĐND Online - Sáng 1-8, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra Tọa đàm “Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị - Hiệu quả đối với công tác quốc phòng, quân sự địa phương” do Quân khu 7 phối hợp với Báo Quân đội nhân dân tổ chức với sự tham gia của hơn 100 đại biểu thuộc Tổng cục Chính trị, Quân khu 7, Quân khu 9, Quân đoàn 4, Học viện Chính trị, Trường Đại học Nguyễn Huệ. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm TCCT dự và chỉ đạo tọa đàm. Các đồng chí: Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 và Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân đồng chủ trì tọa đàm.
Trung tướng Phạm Văn Dỹ và Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên đồng chủ tọa điều khiển Tọa đàm.

“Nâng tầm”, nâng trách nhiệm

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân khẳng định, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 51) và Nghị quyết 513 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đã góp phần quan trọng, có ý nghĩa quyết định nâng cao sức mạnh toàn diện của quân đội, củng cố vững chắc nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội “Tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt”. Triển khai thực hiện Nghị quyết 51 không những kế thừa và phát huy kinh nghiệm, những bài học có giá trị lịch sử về vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, mà còn từng bước khắc phục những hạn chế trong thực hiện chế độ phó chỉ huy trưởng về chính trị theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị (khóa V). Như vậy, Nghị quyết 51 đã “nâng tầm” và trao thêm trách nhiệm nặng nề cho đội ngũ chính ủy, chính trị viên.

Ngay sau phát biểu đề dẫn, Đại tá Nguyễn Văn Nam, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai đã chứng minh điều đó bằng kết quả cụ thể mà Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai đã đạt được: Ngay sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 51, Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh Đồng Nai đã tập trung tuyên truyền, giáo dục những nội dung của NQ 51; 100% chính trị viên Ban CHQS cấp huyện tham gia cấp ủy địa phương, giải quyết các mối quan hệ theo đúng quy định. Đội ngũ chính ủy, chính trị viên nhận thức sâu sắc vai trò, chức năng, nhiệm vụ, gương mẫu trong sinh hoạt, công tác. Mọi hoạt động của đơn vị đều có sự tham gia lãnh đạo, chỉ đạo của chính ủy, chính trị viên, không còn tình trạng cán bộ chính trị đứng ngoài cuộc trong các hoạt động quân sự như trước.

Để làm nổi bật ý nghĩa, tầm quan trọng và vai trò của đội ngũ chính ủy, chính trị viên, Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 9 cho rằng: Nghị quyết 51 thực chất là tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo “Tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” của Đảng trong quân đội; phân định rõ mối quan hệ giữa chính ủy, chính trị viên với người chỉ huy và với cấp ủy, tổ chức Đảng. Đồng chí nhấn mạnh: Nghị quyết 51 đã làm “mất” cái độc đoán, chuyên quyền của người chỉ huy nhưng lại mang lại cái “được” rất lớn, đó là được tăng cường sức lãnh đạo, được chia sẻ, trao đổi, bàn bạc thống nhất trước khi thực hiện nhiệm vụ; đội ngũ chính ủy, chính trị viên cũng tăng thêm trách nhiệm… do đó, chất lượng công tác của đơn vị được nâng lên.

Phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả

Buổi tọa đàm trở nên sôi nổi hơn khi Thượng tá Nguyễn Hoàng Hải, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Thông tin 23 đưa ra nội dung “5 cùng” giữa chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy, đó là: Cùng tiếp tục nghiên cứu, cùng đánh giá, cùng bàn, cùng làm và cùng chịu trách nhiệm. Theo anh, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy phải kịp thời thông báo, trao đổi cho nhau biết các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên để thống nhất, đánh giá tình hình thuận lợi, khó khăn; trên cơ sở đó, cùng đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, báo cáo cấp ủy quyết định, rồi xây dựng kế hoạch, phân công tổ chức thực hiện và kiểm tra. Quá trình đó phải được tiến hành trên tinh thần đoàn kết, dám chịu trách nhiệm về những quyết định đã được trao đổi, bàn bạc thống nhất trong cấp ủy, ban chỉ huy. Sự phối hợp như thế sẽ nhịp nhàng, ăn khớp.

Còn Đại tá Đinh Văn Hùng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ, quan hệ giữa chính ủy, chính trị viên với người chỉ huy là quan hệ phối hợp công tác, quan hệ đồng cấp, bình đẳng, phân công phụ trách, cùng chịu trách nhiệm chung các mặt công tác của đơn vị, dựa trên cơ sở nhiệm vụ, vì nhiệm vụ chung mà đoàn kết gắn bó với nhau; cùng chung trách nhiệm vì kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Đây cũng chính là ý nghĩa thực tế mà Nghị quyết 51 chỉ ra.

Thực tiễn cho thấy, trong mối quan hệ công tác giữa chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy phải dựa trên nguyên tắc “Tập trung dân chủ”, “Tập thể lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách”; giải quyết các vấn đề phải bám sát quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo của cấp ủy, nhất là những vấn đề nhạy cảm; tôn trọng, cởi mở, chân thành, giúp nhau cùng tiến bộ. Khi đó, chất lượng, hiệu quả công tác được nâng lên, tiến bộ vững chắc.

Hoàn thành tốt hơn chức trách, nhiệm vụ

Từ thực tiễn công tác tại đơn vị, Đại tá Đặng Văn Hùng, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 302 tâm đắc: Thực hiện Nghị quyết 51 đã tạo chuyển biến rõ nét trong hoạt động CTĐ, CTCT góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị và xây dựng tổ chức Đảng TSVM, xây dựng cơ quan, đơn vị VMTD. Chỉ huy trưởng và chính ủy sư đoàn phối hợp chặt chẽ với nhau và với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong các hoạt động của đơn vị. Đội ngũ chính ủy, chính trị viên trong tỉnh nhận thức rõ hơn về chức trách, nhiệm vụ của mình, làm tốt công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng kịp thời, hiệu quả, nhất là trước những vấn đề mới, những vấn đề phức tạp nảy sinh bảo đảm cho đơn vị ổn định và phát triển.

Các đại biểu trao đổi về vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết 51.
Bên cạnh đó, vai trò tham mưu của cấp ủy quân sự địa phương với cấp ủy địa phương về hoạt động quân sự, quốc phòng cũng được nâng lên. Tham luận về vấn đề này, Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Long An nêu rõ: Cơ quan quân sự đã tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, kết hợp kinh tế với quốc phòng-an ninh, tăng cường xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững trật tự an toàn trên địa bàn. Đặc biệt, cấp ủy quân sự địa phương đã tham mưu chỉ đạo công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng bảo đảm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc.

Hệ thống chính trị địa phương cùng “vào cuộc”

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nêu rõ vai trò của cấp ủy địa phương đối với công tác quốc phòng, quân sự địa phương, trong đó Bí thư cấp ủy địa phương đảm nhiệm Bí thư cấp ủy quân sự địa phương. Do vậy, vai trò trách nhiệm của cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Nhờ đó, công tác quân sự quốc phòng địa phương thực hiện có hiệu quả, nâng cao sức lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với cơ quan quân sự. Công tác quốc phòng, quân sự không còn là nhiệm vụ của riêng cơ quan quân sự mà là của cả hệ thống chính trị cùng tham mưu, đề xuất thực hiện.

Cùng quan điểm trên, đồng chí Châu Minh Sơn, Bí thư Thành ủy TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) cho rằng: Nhận thức rõ vai trò của Nghị quyết 51, Thành ủy đã tổ chức cho các cấp ủy Đảng quán triệt sâu sắc, đưa nội dung Nghị quyết vào học tập thường xuyên. Đồng thời, cấp ủy địa phương lãnh đạo chặt chẽ công tác quân sự, đặc biệt là với công tác cán bộ; tiến hành cơ cấu hợp lý, bổ sung các chức danh quân sự vào cấp ủy địa phương và giải quyết hài hòa các mối quan hệ. Cũng theo đồng chí Châu Minh Sơn, Thành ủy TP Phan Thiết luôn làm tốt công tác chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định bổ nhiệm 100% CTV, CTV phó ban CHQS phường, xã, góp phần củng cố và tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ huy đơn vị lực lượng vũ trang cơ sở, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trước yêu cầu mới.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đánh giá cao công tác chuẩn bị, tổ chức và kết quả tọa đàm; đồng thời nhấn mạnh: Các cấp ủy Đảng trong LLVT Quân khu 7 cần tiếp tục quán triệt, nắm vững, thực hiện nghiêm các nghị quyết, tạo chuyển biến sâu sắc, mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, hành động của các tổ chức, lực lượng, đặc biệt là của cấp ủy, cán bộ chủ trì. Từng cấp đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 51 gắn với tích cực “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng bằng những việc làm thiết thực, cụ thể nhằm đạt được mục tiêu cao nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, chất lượng, hiệu quả CTĐ,CTCT quân đội.

Kết luận Tọa đàm, Trung tướng Phạm Văn Dỹ khẳng định: Nghị quyết 51 đã được triển khai sâu rộng, chặt chẽ trong LLVT Quân khu 7, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với LLVT. Sự phối hợp nhịp nhàng của chính ủy, chính trị viên với người chỉ huy là động lực quan trọng tạo nên sức mạnh đoàn kết trong đơn vị; đồng thời, đó cũng là sự thể hiện tốt văn hóa lãnh đạo. Các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân khu sẽ tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị theo từng cấp để tiếp tục tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với LLVT nói chung và với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương nói riêng, tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 513 của Quân ủy Trung ương.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH-XUÂN CƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét