Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

“Người có 4 đức… thiếu một đức thì không thành người”

QĐND Online - Năm 2013 là năm bản lề Đảng ta thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Thực chất của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 chính là thực hiện chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo - Truyền hình Quân khu 7 đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7, xin trân trọng giới thiệu!

Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 trao quyết định
 cho học viên tốt nghiệp các trường trong quân đội về Quân khu 7 nhân công tác.
Ảnh: Tuấn Anh.

Phóng viên: Kính thưa đồng chí Chính ủy quân khu! Lâu nay khi nói về vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, chúng ta vẫn thường nghe cụm từ “rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng”. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết chuẩn mực cụ thể của khái niệm “đạo đức cách mạng”, đề nghị đồng chí cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Từ khi chính thức trở thành người cộng sản, tháng 12-1920, tại Đại hội Đảng xã hội Pháp lần thứ 18, Nguyễn Ái Quốc (tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ) đã ý thức và hình thành những tiêu chí cụ thể về năng lực, đạo đức của người cán bộ cách mạng. Chính vì vậy mà khi dự Đại hội V Quốc tế cộng sản (7-1924), Hồ Chí Minh đã kêu gọi sự giúp đỡ của đại hội bằng cách hỗ trợ đào tạo cán bộ, nhân lực cho phong trào cách mạng các nước thuộc địa. Sau này khi trở về lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước, Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, mà trước hết là xây dựng phẩm chất đạo đức cho họ, điều đó có vị trí quan trọng đến sự thành bại của cách mạng, bởi vì theo Hồ Chí Minh “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
Những tiêu chí, chuẩn mực về đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta đã được quán triệt rất sâu sắc khi thực hiện Chỉ thị 06/CT-TW của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Có thể có một số ít cán bộ, đảng viên nào đó không nhớ, không hiểu hết những tiêu chí đó nhưng chắc chắn là họ hiểu giá trị cốt lõi, những yêu cầu cơ bản về đạo đức của người cán bộ cách mạng.
Theo Bác, chuẩn mực đạo đức cách mạng gồm 4 nội dung rất cụ thể, ngắn gọn, dễ nhớ. Thứ nhất là “Trung với nước, hiếu với dân”. “Trung với nước” là trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, phải làm hết sức mình để đất nước độc lập, giàu mạnh, được ấm no, tự do, hạnh phúc. “Hiếu với dân” không phải là thương dân với tính chất ban phát, dạy dỗ, ban ơn mà phải luôn lấy dân làm gốc, gắn bó mật thiết với nhân dân, tin vào dân, dựa vào dân, chăm lo, bồi dưỡng sức dân và phải suốt đời phục vụ nhân dân. Thứ hai là “Yêu thương con người, sống có nghĩa có tình”, là tình cảm rộng lớn trước hết dành cho những người cùng khổ, những người lao động bị áp bức bóc lột. Tình yêu thương ấy được thể hiện trong các mối quan hệ hàng ngày với bạn bè, đồng chí, với mọi người xung quanh. Theo Hồ Chí Minh, chuẩn mực đạo đức thứ ba có vị trí trung tâm đối với người cán bộ cách mạng đó là: “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Người nói: “Trời có 4 mùa; Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có 4 đức: cần, kiệm, liêm, chính … Thiếu một đức thì không thành người”. 4 đức tính ấy có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, ví dụ: nói đến “cần” phải nói đến “kiệm”, Hồ Chí Minh ví “cần, kiệm” như 2 chân của con người, “cần” mà không “kiệm” thì chẳng khác nào gió vào nhà trống, nước đổ thùng không đáy, làm từng nào xào từng ấy. Chuẩn mực đạo đức thứ tư là “Có tinh thần quốc tế trong sáng”, người cán bộ phải nhận thức đúng tinh thần đoàn kết quốc tế, đoàn kết với tất cả những người tiến bộ trên thế giới vì hòa bình và công lý.
Phóng viên: Thưa đồng chí Chính ủy, theo quan điểm của đồng chí trong giai đoạn cách mạng hiện nay ngoài những chuẩn mực đạo đức ấy có cần thiết phải bổ sung hoặc điều chỉnh vấn đề gì nữa hay không?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Không cần thiết! 4 chuẩn mực đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nếu được hiểu thấu suốt thì rất đầy đủ, những chuẩn mực đạo đức ấy vẫn đang mang tính thời sự và là đòi hỏi bắt buộc đối với mỗi cán bộ cách mạng trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào. Chỉ có điều, mỗi người cán bộ học tập, vận dụng nó vào trong cuộc sống, môi trường công tác của mình như thế nào mà thôi!
Phóng viên: Đối với người cán bộ quân đội thì những chuẩn mực đạo đức ấy được cụ thể hóa như thế nào, thưa đồng chí Chính ủy?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Tôi nghĩ trong quân đội những chuẩn mực đạo đức đó có cơ hội được thể hiện rõ nét nhất, nó không phải là cái gì quá cao siêu và khó thực hiện. Chúng ta còn nhớ khi cùng Đại đoàn Quân Tiên Phong tiến về Thủ đô Hà Nội, dừng chân tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Chữ “Trung” được Bác Hồ diễn đạt đơn giản như thế, câu nói ấy sau này như một lời thề của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Người cán bộ, sĩ quan cần phải truyền chữ “Trung” ấy đến từng chiến sĩ, trước khi dạy họ bắn súng phải dạy họ xác định rõ khẩu súng mà họ cầm trên tay ngắm bắn vào ai, bảo vệ ai, phải dạy họ xả thân vì mục đích gì. “Hiếu với dân” được gói gọn trong lời thề thứ 9 mà ngay từ khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, các đội viên đã tuyên thệ “Khi tiếp xúc với nhân dân làm đúng 3 điều nên: kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân. Và 3 điều răn: không lấy của dân, không dọa nạt dân, không quấy nhiễu dân. Để gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân, thực hiện quân với dân một ý chí”. Với người cán bộ quân đội, đây là điều tuyệt đối không được sao nhãng, bởi vì quân đội ta là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, chiến đấu vì nhân dân và chiến đấu trong sự đùm bọc của nhân dân.
Chuẩn mực đạo đức thứ 2, Hồ Chí Minh nhắc nhở đội ngũ cán bộ quân đội là phải thương yêu con người, sống có nghĩa có tình, trước hết là quan tâm, chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Tình thương yêu ấy phải được thể hiện sâu rộng trong các mối quan hệ hàng ngày. Bác dạy: khi bộ đội ăn chưa no thì cán bộ không được kêu đói, khi bộ đội mặc chưa ấm thì cán bộ không được kêu rét. Người cán bộ, sĩ quan phải có lòng bao dung, vị tha, chiến sĩ có mắc sai lầm, khuyết điểm thì phải chỉ rõ để họ hiểu mà sửa sai, trở thành quân nhân tốt. Trong thư gửi Hội nghị chính trị viên (3-1948), Hồ Chí Minh căn dặn: “Người cán bộ chính trị phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”. Bao trùm hơn, tình yêu thương ấy phải được dành kể cả những kẻ thù bên kia chiến tuyến nếu họ quy hàng, nếu họ bị bắt thì cũng phải đối xử nhân đạo với họ.
Đối với chuẩn mực đạo đức trung tâm “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, trong môi trường quân đội không thực hiện “cần, kiệm” là làm lãng phí, thất thoát tiền của của nhân dân, thời gian, công sức của bộ đội, ảnh hưởng trực tiếp đến sức chiến đấu của quân đội. “Liêm, chính” cũng vậy, người cán bộ quân đội mà không “liêm, chính” thì chiến sĩ không nể, phục, nói chiến sĩ không nghe. Không “liêm”, không “chính” thì ắt sa vào chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là đại họa của cách mạng. Chúng ta vẫn chưa quên hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thức trắng đêm để đưa ra một quyết định khó khăn đó là tử hình Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục cung cấp trong kháng chiến chống Pháp. Trong lúc bộ đội gian khổ, hi sinh trên chiến trường, thì hắn (Trần Dụ Châu) chỉ vì thành tích báo cáo mà để bộ đội ăn đói, mặc rét, sống xa hoa, phè phỡn, gây bè, kéo cánh, tham ô, hủ hóa. Bác Hồ - hiện thân của lòng nhân ái, của tình thương yêu - đã phải rơi lệ mà xử tử hình một cán bộ cấp cao, nhưng đó là việc làm cần thiết, bởi vì mất tiền, mất của còn tìm lại được, đánh mất lòng tin với nhân dân thì không thể lấy lại được nữa. Người cán bộ, sĩ quan muốn xây dựng được lòng tin của nhân dân, xây dựng được lòng tin của bộ đội không gì hơn là phải “dĩ công vi thượng”, chuẩn mực, gương mẫu về đạo đức, lối sống, về phong thái, phong cách làm việc, quản lý, chỉ huy, đạt được điều đó nhất thiết phải thực hiện tốt lời dạy của Người: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Đội ngũ cán bộ quân đội hiện nay phải luôn nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng, phải nhận thức đúng phương châm giúp bạn là tự giúp mình, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa các mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quốc phòng - an ninh.
Có thể khẳng định: trong suốt gần 70 năm từ khi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đội ngũ cán bộ, sĩ quan quân đội đã tiếp thu sâu sắc và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, xây dựng đội ngũ không ngừng lớn mạnh, trở thành đội quân bách chiến bách thắng. Quân đội thực sự là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giành và giữ chính quyền cách mạng, đánh đuổi kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước cũng như thực hiện nhiều sứ mệnh quan trọng khác trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, xứng đáng với tên gọi cao quý mà nhân dân dành tặng: danh hiệu “Anh bộ đội Cụ Hồ”.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Chính ủy quân khu!
LẠI THẾ HIỀN (thực hiện) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét