Đặc biệt, nói đến người lính hôm nay, không thể không nói đến “câu chuyện tuyển quân”, một vấn đề đang đặt ra những nội hàm mới đối với những người làm công tác này. Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác quân sự - quốc phòng địa phương. Thực hiện tốt công tác này không chỉ trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội thường trực, mà còn là cơ sở để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và nguồn cán bộ kế cận chất lượng cao cho địa phương, cơ sở.
Tuy nhiên, trước khi bước vào những nội dung chính của cuộc trò chuyện, đồng chí Chính ủy Phạm Văn Dỹ đã không quên khái quát đôi nét về truyền thống của bộ đội Quân khu 7 trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn để độc giả Văn nghệ Quân đội tiện theo dõi.
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Như các nhà văn đã biết, sinh ra trong bão táp cách mạng, từ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng mà đỉnh cao là “Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ” của nhân dân Nam bộ, được Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, được nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc, các lực lượng vũ trang Quân khu 7 không ngừng trưởng thành lớn mạnh về mọi mặt. |
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ, hy sinh, vừa chiến đấu, vừa xây dựng, phát triển lực lượng từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh, sáng tạo ra nhiều cách đánh độc đáo, hiệu quả trên nền tảng của cuộc chiến tranh nhân dân, cùng đồng bào các tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, lập nên những chiến công vang dội như trận Trung Hưng - Ràng, Đất Cuốc, Đồng Xoài, La Ngà - Định Quán, góp phần xứng đáng cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Khu 7 là một trong những nơi trực tiếp đụng đầu lịch sử giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng, giữa nhân nghĩa và bạo tàn, các lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, Cực Nam Trung Bộ đã anh dũng vượt qua những năm tháng vô cùng ác liệt, vừa chiến đấu, vừa xây dựng và không ngừng phát triển, là cái nôi hình thành các đơn vị chủ lực của Miền và cùng phối hợp chiến đấu làm nên những thắng lợi có ý nghĩa, có tác động sâu sắc đến cục diện chiến trường miền Nam mà lịch sử mãi mãi khắc ghi như: Tua Hai, Bình Giã, Đồng Xoài, Đất Cuốc, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phước Long, Tòa Đại sứ quán Mỹ, Khách sạn Caravelle, Victoria, kho xăng Nhà Bè, Sân bay Tân Sơn Nhất, kho bom Thành Tuy Hạ… và chiến dịch Bắc Tây Ninh đánh bại cuộc hành quân mang tên Gian- xơn-Xi- ti của hơn 45 nghìn quân Mỹ được trang bị đến tận răng. Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đánh vào tận sào huyệt của Mỹ, ngụy tại Sài Gòn; chiến dịch Xuân - Hè 1972 giải phóng Lộc Ninh, giải phóng đường 14, đặc biệt là đòn điểm huyệt Phước Long, lần đầu tiên ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh lỵ ở miền Nam, là căn cứ tiền đồn phía Bắc để bảo vệ thành phố Sài Gòn, trung tâm đầu não của chế độ cũ. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, quân và dân Quân khu 7 đã đồng loạt tiến công, nổi dậy, liên tiếp mở hai chiến dịch tiến công giải phóng đường số 3, số 1 và đường số 2 ở Bà Rịa, tạo hành lang từ Miền đi xuống hướng Đông - Đông Nam Sài Gòn, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công, đồng thời tạo thế bao vây áp sát Xuân Lộc. Song song với các chiến dịch tiến công trên, lực lượng vũ trang thành đội Sài Gòn- Gia Định nhanh chóng mở ra nhiều lõm giải phóng ven đô, đứng vững ở Gò Vấp, Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức, Tân Bình, tạo thế, tạo bàn đạp cho các lực lượng tiến công vào nội đô từ nhiều hướng. Mặt khác, Quân khu 7 phối hợp với Quân đoàn 4 tiến công đập tan tuyến phòng ngự Xuân Lộc, đánh chiếm thành phố Biên Hòa, mở tung cánh cửa hướng Đông vào Sài Gòn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành một chặng đường dài “đi trước về sau” đầy gian khổ hy sinh, góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngay sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các lực lượng vũ trang Quân khu bước ngay vào nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, đồng thời lại bước ngay vào nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên tuyến biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế, cùng các đơn vị bạn cứu đất nước Campuchia anh em thoát khỏi họa diệt chủng của bọn phản động Pônpốt - Iêngsary. Một lần nữa lực lượng vũ trang Quân khu 7 lại tỏ rõ khí phách của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong cuộc chiến đấu với kẻ thù mới của dân tộc. Ba năm làm nhiệm vụ chiến đấu giữ vững biên cương Tổ quốc trên địa bàn Quân khu, mười năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã khẳng định vai trò “đứng mũi chịu sào” trong bối cảnh đầy thử thách cam go, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Quân đội và nhân dân giao phó.
Phóng viên (PV): Vâng, nghe đồng chí Chính ủy nhắc lại những năm tháng đã qua, trong lòng mỗi người lính chúng ta đều cảm thấy tự hào. Mới đó mà thời gian đã trôi qua thật nhanh. Nếu lấy những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước là cái mốc để đánh dấu sự chấm dứt chiến tranh, những người lính Quân khu 7 chuyển sang giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thì hơn hai mươi năm qua, những người lính Quân khu 7 đã có những thay đổi gì so với những thế hệ trước đó, thưa đồng chí Chính ủy?
Các nữ tân binh năm 2011 - Ảnh: T.L |
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Sau hơn 20 năm, nói cho đúng hơn là từ năm 1990 đến nay, lực lượng vũ trang Quân khu 7 vẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người lính là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất. Song, những người lính Quân khu 7 đã có nhiều thay đổi so với thế hệ cha anh trước đây. Đơn cử thế này, trước đây người lính Quân khu 7 luôn ở trong trạng thái đất nước có chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, trực tiếp đối mặt với nguy cơ đổ máu, hy sinh, khi ra đi chiến đấu đâu có hẹn ngày về, có chăng ngày về là khi đất nước đã hết giặc thù. Nay, người lính Quân khu 7 trong trạng thái đất nước hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không có tiếng súng và nguy cơ đổ máu cũng không nhiều. Khi ra đi, ai nấy đều biết rõ ngày trở về. Tuy nhiên, người lính Quân khu 7 cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là “diễn biến hòa bình”, đó là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - những nguy cơ ấy giăng bẫy, bủa vây đến mỗi cá nhân, gia đình, đơn vị. Tóm lại, có thể nói là sinh ra người lính là để chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình. Người lính phải nhìn ra nguy cơ của chiến tranh để đấu tranh, ngăn ngừa cho cái nguy cơ ấy không xảy ra và không bao giờ trở thành hiện thực. Tuy nhiên, thái bình phải luôn gắng sức thì non nước mới vững ngàn thu. Người lính Quân khu 7 phải được giáo dục, được huấn luyện, được tôi rèn bản lĩnh, năng lực, ý chí, niềm tin để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân. Còn nhớ trước đây, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ đã tranh thủ từng giây, từng phút, từng ngày của một năm hòa bình để xây dựng, củng cố các tiềm lực kinh tế, quân sự, chính trị, tinh thần để chuẩn bị tốt nhất cho chiến tranh. Chưa bao giờ, chưa có khi nào mà quân đội nói chung, Lực lượng vũ trang Quân khu 7 nói riêng lại có thời cơ thuận lợi như hiện nay để tập trung huấn luyện, xây dựng, sẵn sàng chiến đấu. Do đó, chúng tôi tập trung huấn luyện cơ bản, huấn luyện nâng cao, xây dựng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho mỗi đơn vị, mỗi người lính có đủ năng lực, trình độ, sức khỏe chống lại các cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao của địch. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, sở, ngành địa phương để tuyển chọn, xây dựng đội ngũ thanh niên từ ngụ binh chuyển thành thực binh và trở về ngụ binh - lực lượng dự bị động viên chiến lược, hùng hậu góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, xây dựng tiềm lực vật chất, chính trị, tinh thần góp phần cho đất nước chuẩn bị tốt nhất để ngăn ngừa và chống lại các cuộc chiến tranh do bất cứ kẻ thù nào phát động.
PV: Một thực tế đang diễn ra hiện nay là lứa cán bộ đã kinh qua chiến tranh trong quân đội ta phần lớn đã phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành hoặc nghỉ hưu. Các lứa sĩ quan đang tại ngũ phần lớn sinh ra và lớn lên trong thời bình. Đồng chí Chính ủy đánh giá thế nào về chất lượng đội ngũ sĩ quan trẻ chưa trải qua chiến tranh đang công tác tại Quân khu hiện nay?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Có một điều đã trở thành quy luật hết sức tự nhiên, đó là tỷ lệ qua chiến đấu sẽ giảm dần theo thời gian năm tháng. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta bi quan, lo lắng. Thực tế, nhiều nước trên thế giới, quân đội của họ, 40-50 năm qua chưa từng trải qua chiến tranh. Còn đối với Việt Nam của chúng ta, lớp cha trước, lớp con sau, đã thành đồng chí chung câu quân hành. Điều tôi muốn nói ở đây đó là sự truyền thụ và sự lĩnh hội, sự kế thừa và sự phát triển. Ai truyền thụ, truyền thụ như thế nào? Ai lĩnh hội, lĩnh hội ra sao? Ai kế thừa, kế thừa như thế nào? Ai phát triển, phát triển làm sao? Đó mới là những điều cần bàn. Đội ngũ sĩ quan trẻ hiện nay có nhiều thế mạnh, được đào tạo cơ bản, năng động, nhạy bén, lại được sự hỗ trợ của các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại nhưng quả thực về thực tiễn, về sự trải nghiệm thì họ cần phải được rèn luyện, thử thách nhiều hơn nữa. Điều tốt nhất, thiết thực nhất là họ phải bám sát đơn vị, bám sát tình hình, yêu cầu nhiệm vụ mới, bởi đó mới chính là cơ sở, là nguồn gốc, là động lực của nhận thức, là tiêu chuẩn để kiểm nghiệm nhận thức đúng-sai. Đối với đội ngũ cán bộ chính trị, cần phải nỗ lực, phải vượt lên chính mình, phải phấn đấu trở thành nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà tư vấn tâm lý, tư vấn pháp luật. Tựu chung lại, phải có văn hóa Đảng, văn hóa ứng xử. Là sản phẩm của Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 513 của Quân ủy Trung ương, cán bộ chính trị tiếp cận thông tin của một thế giới phẳng, khác hẳn với thế hệ cha anh đi trước, nếu năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, dám sửa chữa khuyết điểm, chịu học, chịu rèn, biết lắng nghe sẽ trưởng thành, phát triển. Ngược lại, thụ động, trông chờ, ỷ lại, lười suy nghĩ, lười rèn luyện, xa thực tiễn, sẽ bị đào thải.
PV: Hàng năm chúng ta vẫn tuyển một lực lượng lớn thanh niên vào quân đội thực hiện nghĩa vụ quân sự. So với vài chục năm trước, mặt bằng dân trí của cả nước được nâng cao hơn rất nhiều. Vậy trình độ học vấn của chiến sĩ ta hiện nay có tỷ lệ thuận với mặt bằng dân trí chung? Chất lượng chiến sĩ không đồng đều ảnh hưởng thế nào đến nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân khu?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Quân khu 7 ý thức rất rõ về chất lượng chiến sĩ mới, không chỉ đem lại giá trị cho quân đội mà còn đem lại nguồn lực để xây dựng địa phương, nguồn nhân lực ngụ binh có chất lượng cao để chuẩn bị tốt nhất cho đất nước đối phó thắng lợi với các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù. Xuất phát từ thực trạng theo luật định hiện nay dẫn tới sự không đồng đều về chất lượng cũng là điều hiển nhiên. Sự phong phú, đa dạng của đối tượng nhập ngũ, cũng là điều dễ hiểu. Nếu là bộ binh thì yêu cầu về văn hóa, sức khỏe có thể vừa phải, nếu là đặc công, trinh sát thì yêu cầu phải cao hơn, nhất là về thể lực, còn nếu là thông tin, pháo binh thì yêu cầu về trình độ văn hóa dứt khoát phải khá hơn… Vấn đề quan trọng là ở chỗ: Tuyển chọn, huấn luyện chiến sĩ mới từng bước phải được chuẩn hóa. Chuẩn hóa về quy trình tuyển chọn, chuẩn hóa về nội dung, chương trình, thời gian, phương pháp huấn luyện, giáo dục để chất lượng huấn luyện chiến sĩ mới đạt cao hơn, xây dựng đơn vị chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ hơn, để khi xuất ngũ về địa phương trở thành nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng cơ sở chính trị địa phương ngày càng vững mạnh.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và cấp ủy, chính quyền các địa phương, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ trên địa bàn có nhiều đổi mới và đạt được kết quả thiết thực. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, cấp ủy, chính quyền, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các địa phương đã có sự thống nhất cao về quan điểm, nhận thức và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, điều hành thực hiện các bước tuyển quân. Thông qua thực hiện “tròn khâu” trong công tác tuyển quân, các địa phương đều tiến hành đúng quy trình đăng ký, quản lý nguồn, sơ tuyển, xét tuyển, bảo đảm dân chủ, công bằng, đúng Luật Nghĩa vụ quân sự. Cơ quan quân sự các cấp đã làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ thị, kế hoạch; thực hiện công tác đăng ký, thống kê và tổng hợp báo cáo đúng thời gian quy định. Quân khu đã phát huy tốt vai trò của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự, đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng khu phố trong việc nắm chắc số lượng, chất lượng nam, nữ công dân trong độ tuổi nhập ngũ; đồng thời, xác định đúng các đối tượng tạm vắng, tạm trú và các đối tượng trong diện miễn làm Nghĩa vụ quân sự, miễn gọi hoặc tạm hoãn gọi nhập ngũ theo Điều 29, Điều 30 của Luật Nghĩa vụ quân sự. Các đơn vị nhận quân đã chủ động hiệp đồng với cấp ủy, chính quyền địa phương trong tuyển chọn hồ sơ, thống nhất danh sách, chốt quân số và cùng với địa phương thực hiện tốt công tác giao, nhận quân. Các cấp đã tổ chức đầy đủ khung huấn luyện theo quy định; chuẩn bị chỗ ăn, ở, vệ sinh chu đáo, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp để chiến sĩ mới nhanh chóng hòa nhập với đơn vị.
PV: Đồng chí Chính ủy từng nói làm tốt công tác tuyển quân là một trong những lời giải cho bài toán về công tác nhân sự của địa phương. Đồng chí có thể nói rõ hơn về ý nghĩa này?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định: Làm tốt công tác tuyển quân, trước mắt sẽ tăng cường lực lượng để xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Về lâu dài, sẽ giúp địa phương có nguồn cán bộ kế cận chất lượng cao - “một trong những lời giải cho bài toán về công tác nhân sự của địa phương”. Bởi vậy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo các cấp chú trọng tuyển chọn những thanh niên có trình độ học vấn, sức khỏe, có độ tin cậy chính trị cao để tuyển chọn vào quân đội. Những quân nhân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng hay có tay nghề kỹ thuật, sau khi huấn luyện xong sẽ được tuyển lựa, bố trí công việc phù hợp với khả năng hoặc cử đi đào tạo để trở thành sĩ quan, cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực quân sự nếu như họ có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong quân đội. Khi xuất ngũ, họ sẽ được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo công ăn, việc làm ổn định, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo khi đủ điều kiện. Từ 2006 đến nay, 64% đảng viên sau khi xuất ngũ về địa phương phát triển tốt trên các cương vị chức trách, trong đó có 5% đảng viên đang giữ cương vị chủ tịch, bí thư các xã (phường, thị trấn) và cao hơn.
Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ tuyển quân, các địa phương đã làm tốt công tác bảo đảm chế độ, chính sách hậu phương quân đội, như: chế độ bảo hiểm y tế, trợ cấp đột xuất cho gia đình quân nhân khó khăn, miễn học phí cho con hạ sĩ quan, chiến sĩ đang tại ngũ; tổ chức tốt việc đón tiếp, đăng ký, quản lý và tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho các quân nhân hoàn thành thời hạn phục vụ tại ngũ, xuất ngũ về địa phương. Việc làm đó đã tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội; là động lực trực tiếp cổ vũ, động viên công dân yên tâm lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Để tạo khí thế sôi nổi động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, công tác tổ chức Hội trại tòng quân được cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn Quân khu quan tâm đặc biệt; nội dung, hình thức tổ chức có nhiều sáng tạo, phong phú và có ý nghĩa chính trị thiết thực. Nhờ đó, hàng năm, các địa phương đều hoàn thành 100% chỉ tiêu, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy trình; chất lượng tuyển quân ngày càng cao. Chỉ tính riêng đợt 1 năm 2012, các địa phương trên địa bàn Quân khu đã tuyển và giao quân cho các đơn vị đạt 100% chỉ tiêu, đúng thời gian quy định. So với cùng kỳ năm 2011, tỷ lệ đảng viên đạt 3,47% (tăng 0,15%); tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 19,03% (tăng 5,62%); trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học đạt 6,86% (tăng 3,91%). Đáng chú ý là, số nữ thanh niên đã tham gia đăng ký và trúng tuyển với số lượng, chất lượng cao, đạt và vượt các tiêu chuẩn quy định (100% sức khỏe loại 1 và 2; 100% đã tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó 70% có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp). Một số địa phương chỉ đạo chặt chẽ, gọi khám số lượng thấp (điều 3 thanh niên/1 chỉ tiêu), tuyển chọn giao quân chất lượng cao; sau giao quân không có bù đổi, không có đào ngũ hay vắng mặt trái phép như tỉnh Long An, Lâm Đồng. Các địa phương khác cũng đã có nhiều nỗ lực, đạt được kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm 2011...
PV: Ngày 14 tháng 5 năm 2011, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 03 về việc tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng chí Chính ủy có thể cho bạn đọc tạp chí Văn nghệ Quân đội biết, Quân khu 7 đã triển khai thực hiện Chỉ thị 03 như thế nào?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Quân khu 7 luôn nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, biện pháp việc học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó không chỉ và không dừng lại ở một cuộc vận động mà phải trở thành hành động tự giác, tích cực, thường xuyên, hàng ngày, hàng giờ ở mỗi tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng, trong các cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp, trong từng cán bộ, đảng viên, quần chúng. Mỗi cử chỉ, lời nói, việc làm phải cụ thể, thiết thực, gắn với hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Trước sự chống phá của các thế lực thù địch, muốn xuyên tạc lịch sử, hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, Quân khu 7 tập trung xây dựng niềm tự hào của mọi người về Hồ Chí Minh, về tư tưởng, đạo đức, phong cách, tâm hồn, trí tuệ Hồ Chí Minh, về văn hóa Hồ Chí Minh, cùng với đó, phải chỉ ra yêu cầu học tập, làm theo của từng đơn vị, từng đối tượng cụ thể, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, phải làm gương, phải học văn hóa quản lý, văn hóa chỉ huy, văn hóa lãnh đạo, văn hóa ứng xử với cấp trên, gần gũi, quan tâm cấp dưới, xây dựng đoàn kết nội bộ, đoàn kết cán binh, đoàn kết quân dân… Phải chọn khâu yếu, mặt yếu để tập trung đột phá, tập trung khắc phục. Phải xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Ví dụ: Mỗi đêm 1 câu hỏi ở Sư đoàn bộ binh 5, mỗi tuần một giờ học tập ở Sư đoàn 302, lính pháo với bầu trời của Lữ đoàn Phòng không 77, nét đẹp quân nhân ở Bộ Tham mưu; thùng rác tiết kiệm của Trung đoàn 88/Sư đoàn 302, 4 siêng, 4 năng của Phòng Tuyên huấn/ Cục Chính trị Quân khu… Những việc làm đó thật gần gũi, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm.
PV: Tháng 12 năm 2011, Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết đã xác định những hạn chế, yếu kém của Đảng ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng. Đồng chí Chính ủy đánh giá thế nào về ý nghĩa sự ra đời của Nghị quyết này trong tình hình hiện nay?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ra đời là một điều bình thường trong tiến trình xây dựng Đảng cầm quyền, đòi hỏi sự ngang tầm của Đảng ta về năng lực lãnh đạo, về sức chiến đấu của tổ chức Đảng, về phẩm chất, đạo đức, năng lực, tính gương mẫu của đội ngũ cán bộ đảng viên. Sự ra đời của Nghị quyết là xuất phát từ Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh; từ thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ thực trạng tình hình xây dựng tổ chức Đảng và đảng viên, từ sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch…
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết phải thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, giải pháp, không được chủ quan, duy ý chí, đòi hỏi ngay lập tức tất cả mọi việc đều tốt đẹp. Phải có lộ trình, phải có bước đi phù hợp, làm đến đâu chắc đến đó, đúng quy trình, chặt chẽ, tránh để kẻ thù lợi dụng. Thực tế vừa qua, việc triển khai trong toàn Đảng và ở Đảng bộ Quân khu 7 cho chúng ta giữ vững niềm tin về tính khả thi của Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) lần này.
PV: Xin cảm ơn đồng chí Chính ủy Phạm Văn Dỹ đã có những trao đổi thẳng thắn xung quanh những vấn đề mà bạn đọc Văn nghệ Quân đội quan tâm!
Nguyễn Đình Tú thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét