Thắng lợi to lớn và toàn diện trong năm 1972 và Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973) đã tạo ra bước ngoặt cơ bản cho cách mạng Việt Nam, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố, ngày 28-1-1973, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu công khai tuyên bố lập trường của chính quyền Sài Gòn: Không liên hiệp; Không thương lượng đối phương; Không có hoạt động của cộng sản hoặc đối phương; Không để lọt vào tay đối phương bất cứ lãnh thổ nào, tiền đồn nào do quân đội Việt Nam cộng hòa chiếm giữ.
Nữ dân quân tỉnh Bình Thuận trên đường ra bãi tập. Ảnh: Duy Thỉnh |
Tiếp theo, từ ngày 6 đến ngày 18-9-1973, Trung ương Cục họp Hội nghị lần thứ 12 để quán triệt tinh thần nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng thời, hội nghị chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể của Nam Bộ (B2) trong thời gian tới để nhanh chóng khắc phục những yếu kém khuyết điểm, đưa phong trào cách mạng tiếp tục tiến lên; trong đó, chủ yếu tập trung vào các mặt công tác quân sự, công tác ở vùng nông thôn đồng bằng, vùng đô thị, đặc biệt, chú trọng công tác xây dựng vùng giải phóng và căn cứ địa cách mạng.
Về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu xây dựng căn cứ địa và vùng giải phóng trong tình hình mới, Trung ương Cục khẳng định: Trong điều kiện Mỹ và tay sai còn hết sức ngoan cố tìm mọi cách phá hoại việc thi hành hiệp định, vấn đề quyết định nhất để bảo đảm thắng địch trong mọi tình huống là thực lực cách mạng về các mặt phải lớn mạnh mau chóng trên cả 3 vùng chiến lược, làm cho ngụy quân ngụy quyền ngày càng suy yếu và tan rã, tương quan lực lượng giữa ta và địch thay đổi ngày càng có lợi cho ta. Như vậy, ta mới buộc địch phải đi vào con đường thi hành hiệp định và thắng chúng; nếu chúng ngoan cố liều lĩnh gây lại chiến tranh, ta cũng đủ sức mạnh để tiêu diệt, tiến lên hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.Xuất phát từ yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam kể từ sau Hiệp định Paris, vấn đề xây dựng căn cứ địa và vùng giải phóng được Trung ương Cục đặt ra một cách toàn diện (bao gồm các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội) phù hợp với điều kiện cụ thể của từng loại vùng; đồng thời, gắn chặt với vấn đề đẩy mạnh tiến công địch ở phía trước (cả ở nông thôn và thành thị). Ngoài việc xác định đường lối, chủ trương xây dựng một cách rõ ràng cụ thể, Trung ương Cục rất quan tâm đến vấn đề lãnh đạo và chỉ đạo, tổ chức bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa và vùng giải phóng trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giải phóng.
Vấn đề có ý nghĩa chiến lược là đi đôi với đẩy mạnh các mặt tiến công ở phía trước, phải ra sức xây dựng các khu căn cứ địa và vùng giải phóng của ta vững chắc về các mặt, có chính trị vững, có quốc phòng mạnh, có kinh tế dồi dào, có văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội tiến bộ và ngày càng phát triển, bảo đảm xây dựng và phát triển nhanh các thực lực cách mạng của ta ở trong Miền, từng bước ổn định và cải thiện nhanh đời sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân; đủ sức đập tan mọi âm mưu thủ đoạn của địch; đồng thời tạo chỗ dựa vững chắc đẩy mạnh tấn công phía trước, giành dân, giành quyền làm chủ đưa thêm nhiều dân về vùng ta, mở rộng dần phạm vi kiểm soát của ta. Trên cơ sở đó, phát huy tính chất ưu việt của chế độ dân chủ nhân dân ở vùng giải phóng, làm ngọn cờ hiệu triệu, cổ vũ, động viên nhân dân các vùng tranh chấp, vùng nông thôn yếu và các đô thị ngày càng hướng về cách mạng, đẩy mạnh các mặt đấu tranh, góp phần tích cực làm thay đổi tương quan giữa ta và địch ở toàn Miền, bảo đảm thắng địch trong mọi tình huống.
Mặt khác, việc xây dựng căn cứ địa của miền Nam phải gắn liền với hậu phương lớn là miền Bắc, với các căn cứ địa và vùng giải phóng của cách mạng Campuchia và Lào đang trên đà thắng lợi ngày càng to lớn, sẽ tạo thế vững chắc của cách mạng trên chiến trường toàn Đông Dương, góp phần làm tăng thêm sức mạnh của cả nước, của cả 3 dân tộc anh em, sẵn sàng đánh bại mọi mưu đồ đen tối của Mỹ ở Việt Nam, Đông Dương và Đông Nam Á.
Trong xây dựng căn cứ địa, cần tập trung sức xây dựng căn cứ của toàn Miền, của các khu, các tỉnh, đồng thời phải tạo địa bàn căn cứ cho các huyện và xã. Phải dựa vào tính chất và vị trí quan trọng, vào đặc điểm của từng vùng để quy hoạch và phân vùng xây dựng căn cứ địa của mỗi cấp. Đối với các căn cứ địa lớn của toàn miền và các khu, cần bảo đảm có địa thế tốt; có điều kiện chính trị vững chắc, dựa vào nhân dân có truyền thống cách mạng; có khả năng xây dựng và phát triển kinh tế, giải quyết hậu cần tại chỗ tới mức cao nhất bảo đảm yêu cầu của cách mạng và nhân dân. Xây dựng căn cứ địa có yêu cầu riêng nhưng phải gắn chặt với việc xây dựng vùng giải phóng nói chung bao gồm cả những vùng giải phóng rộng lớn và những lõm giải phóng kết hợp với các lõm và mảng làm chủ mạnh.
Trung ương Cục nhấn mạnh, việc xây dựng căn cứ địa trong tình hình còn hai khả năng: hoặc địch nghiêm chỉnh thi hành hiệp định hoặc địch phá hoại hiệp định, ta phải quyết tâm xây dựng theo khả năng một, đồng thời có sự chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng chủ động đối phó với tình huống xảy ra khả năng hai, nhất thiết không lẫn lộn giữa hai khả năng. Do đó, phải xây dựng căn cứ địa với tinh thần cách mạng tiến công, tích cực, khẩn trương, vững chắc, theo quy mô ngày một lớn, có phương hướng, quy hoạch toàn diện nhưng phải có kế hoạch thực hiện từng bước, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn đều, xây dựng đến đâu phải tổ chức quản lý tốt đến đó, đạt hiệu quả cao nhất.
Xây dựng toàn diện cả chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, y tế xã hội, lấy xây dựng và củng cố về chính trị và quốc phòng làm nhiệm vụ hàng đầu, coi kinh tế là cơ sở, là một nội dung xây dựng chủ yếu, đồng thời hết sức coi trọng xây dựng về văn hóa giáo dục, y tế xã hội. Đặc biệt chú ý luôn luôn kết hợp chặt giữa kinh tế và quốc phòng, giữa yêu cầu trước mắt và mục tiêu lâu dài. Xây dựng theo hướng lấy tỉnh là đơn vị chiến lược và xã làm đơn vị cơ sở (trong đó, ấp là đơn vị thực hiện chủ yếu).
Mỗi tỉnh phải được xây dựng vững mạnh toàn diện về chính trị, quốc phòng, kinh tế và văn hóa xã hội, bảo đảm cho được cả hai mặt tiến công phía trước và xây dựng phía sau. Xã là một cấp cơ sở có chức năng lãnh đạo chỉ đạo toàn diện các loại ấp trong xã về mặt Đảng cũng như chính quyền, trong tiến công cũng như trong xây dựng. Tuy nhiên, trong tình hình thực tế, phải lấy ấp làm đơn vị thực hiện chủ yếu, phải tùy hình thái tương quan lực lượng cụ thể ở mỗi ấp mà chỉ đạo thực hiện cho sát hợp thì mới thu được kết quả tốt.
Trong điều kiện chiến trường nhiều nơi còn bị ngăn cách, vùng ta vùng địch xen kẽ nhau, cấp khu còn giữ vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo chỉ đạo toàn diện trong từng khu vực lớn, điều hòa phối hợp hoạt động của các tỉnh huyện trong khu để thực hiện tốt nhiệm vụ tiến công và xây dựng theo đường lối chủ trương chính sách chung của Đảng. Huyện cũng không phải chỉ giữ vai trò trung gian mà có nhiệm vụ chỉ đạo toàn diện hoạt động của các xã ấp. Riêng về kinh tế, mỗi huyện là một vùng nông nghiệp, cần được chỉ đạo chặt chẽ từ việc xác định phương hướng quy vùng, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo sản xuất, bảo đảm nhu cầu cách mạng.
Về quan hệ giữa tự lực và chi viện, quan điểm cơ bản, lâu dài vẫn là phải dựa vào mọi khả năng sẵn có và tiềm tàng trong Miền, trong từng địa phương, để xây dựng là chính. Đồng thời cần tranh thủ đúng mức sự chi viện của miền Bắc và các nước anh em, nhất là trong bước đầu xây dựng, nhưng nhất thiết không được ỷ lại vào cấp trên.
Tinh thần tự lực tự cường phải được biểu hiện cụ thể ở mỗi cấp, mỗi ngành trên các mặt cần kiệm xây dựng, đẩy mạnh sản xuất đi đôi với thực hành tiết kiệm triệt để, chống mọi lãng phí tham ô. Mỗi địa phương phải dựa trên cơ sở tính toán nhu cầu và khả năng, có kế hoạch và biện pháp huy động mọi khả năng tại chỗ về lao động, vốn, vật tư của nhân dân, trong vùng ta và cả trong các vùng tranh chấp và vùng địch kiểm soát, cộng với khả năng vốn của nhà nước, khả năng lao động, phương tiện của các cơ quan, đơn vị bộ đội, để khôi phục và phát triển sản xuất, bảo đảm yêu cầu của địa phương và tuỳ điều kiện cụ thể mà đóng góp phần mình vào yêu cầu chung của cách mạng; Trung ương và cấp trên chi viện, cũng là để phát huy thêm khả năng tự lực cánh sinh của địa phương mình.
Một vấn đề có tính chất bao trùm là trong điều kiện còn hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát, quá trình xây dựng căn cứ địa và vùng giải phóng của ta cũng là quá trình đấu tranh quyết liệt một mất một còn giữa hai chế độ, hai đường lối cách mạng và phản cách mạng hoàn toàn đối lập nhau: Một bên là chế độ dân tộc dân chủ nhân dân tốt đẹp ở vùng ta, một bên là chế độ thực dân mới trong vùng địch kiểm soát do Mỹ dựng lên.
Về chính trị dựa trên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, có chính quyền và quân đội cách mạng hoàn toàn do dân và vì dân, có mặt trận thống nhất và và hòa hợp dân tộc rộng rãi lấy liên minh công nông làm nền tảng và do giai cấp công nhân lãnh đạo. Về kinh tế, dựa chủ yếu vào lao động của hàng triệu nông dân cách mạng đã được giải phóng, đã giành lại chính quyền và làm chủ ruộng đất, vào tài nguyên phong phú nhất là về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp trong các vùng ta làm chủ. Chế độ ta nhằm bảo vệ hoà bình chân chính và độc lập chủ quyền của dân tộc, bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân, từng bước xây dựng đất nước phồn vinh dựa trên cơ sở một nền kinh tế dân tộc dân chủ nhân dân, một nền văn hóa giáo dục dân tộc dân chủ lành mạnh và tiến bộ, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc của toàn dân và thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc.
Do vậy, trong khi xây dựng chế độ dân tộc dân chủ nhân dân ở vùng giải phóng, các cấp, các ngành, phải có ý thức phát huy tính ưu việt và sức mạnh tổng hợp của chế độ ta về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, kết hợp với sử dụng hiệu lực pháp lý của hiệp định và Thông cáo chung Paris để tiến công địch trên các lĩnh vực, kết hợp chặt chẽ với các hoạt động ở phía trước để đánh phá bình định lấn chiếm, giữ vững vùng giải phóng, giành dân, giành quyền làm chủ, lấn địch từng bước, mở rộng dần vùng kiểm soát của ta. Mặt khác, góp phần tích cực đẩy mạnh các phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân các đô thị và vùng nông thôn yếu làm suy yếu địch về các mặt, tạo điều kiện xây dựng và phát triển thực lực của ta, từng bước tiến lên dùng bạo lực cách mạng của nhân dân ta ở cả hai vùng đánh đổ tập đoàn tay sai Mỹ phản động và ngoan cố nhất cùng với chế độ thực dân mới do Mỹ dựng nên, lập chính quyền liên hiệp dân tộc dân chủ thực sự, tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở toàn miền Nam và thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.
Về phương hướng nhiệm vụ và nội dung xây dựng căn cứ địa và vùng giải phóng, Trung ương Cục chỉ rõ:
Trước hết cần xác định rõ vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng của những vùng giải phóng rộng lớn liên hoàn ở rừng núi miền Đông và Khu 6 đối với cách mạng miền Nam để quyết tâm xây dựng nhanh chóng thành căn cứ địa vững chắc của B2 (chiến trường Nam Bộ) và các khu, tỉnh, gắn liền với các căn cứ địa B3 (chiến trường Tây Nguyên), Khu 5 và qua đó với miền Bắc. Đặc điểm của khu vực này là có địa thế thuận lợi, có truyền thống cách mạng, tài nguyên phong phú, ta kiểm soát tuyệt đại bộ phận rừng và các đồn điền cây công nghiệp lớn nhỏ, nhưng có nhược điểm lớn là thiếu nhân lực và lương thực. Ở đây, cần ra sức củng cố về chính trị và tăng cường lực lượng quốc phòng, kết hợp chặt chẽ giữa 3 thứ quân, kiên quyết đập tan các âm mưu và hoạt động càn quét lấn chiếm của địch, đồng thời kết hợp với các mặt tiến công phía trước để tạo thế tương đối ổn định ở vùng ta, giành dân, đưa thêm nhiều dân về để tăng dân số và giải quyết vấn đề thiếu lao động. Mặt khác, huy động một phần lực lượng của bộ đội, cơ quan tham gia sản xuất và xây dựng, nhất là trong các khu vực căn cứ và trên các hành lang chiến lược.
Tập trung sức giải quyết vững chắc vấn đề lương thực dựa trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất của nhân dân và cơ quan, bộ đội là chính đồng thời mua thêm của bạn ở Campuchia và rút từ vùng địch ra, bảo đảm có đủ ăn cho dân và các lực lượng cách mạng tại chỗ, có dự trữ lực lượng để đưa thêm dân về và để đề phòng mọi bất trắc. Mặt khác, cần tạo điều kiện để sớm phát huy ưu thế sẵn có về kinh tế của ta ở vùng này là cây công nghiệp và lâm nghiệp, từng bước vững chắc xây dựng kinh tế trong vùng phát triển nhiều mặt: khôi phục lại các đồn điền, đẩy mạnh khai thác chế biến gỗ và các lâm thổ sản khác, xây dựng từng bước, một số ngành công nghiệp cần thiết, phát triển giao thông vận tải, mở rộng giao lưu hàng hóa… kết hợp nhiều mặt để phá thế địch bao vây, phong tỏa kinh tế vùng ta. Hết sức coi trọng việc xây dựng và phát triển văn hóa, giáo dục, y tế tương xứng với vị trí căn cứ địa và vùng giải phóng lớn của ta.
Cần tận dụng lợi thế so với một số vùng khác về tiếp nhận sự chi viện của miền Bắc để thực hiện sớm việc tăng cường trang bị cơ giới và áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất, tiến hành quy hoạch phân vùng, đẩy mạnh sản xuất và xây dựng theo quy mô lớn và tốc độ nhanh (chú trọng đến các khu vực sản xuất tập trung của bộ đội và các cơ quan). Đồng thời, vùng này cần và có điểu kiện xây dựng và phát triển sớm một số ngành kinh tế quốc doanh cần thiết và khu vực kinh tế tập thể nhất là trong nông dân các vùng dân tộc.
Đặc biệt quan tâm xây dựng các vùng đồng bào dân tộc xưa nay chí cốt với cách mạng nhanh chóng trở thành những khu vực căn cứ địa vững mạnh về các mặt, hết sức giúp đỡ nhân dân đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cung cấp những hàng hóa thiết yếu, phát triển giáo dục, y tế và văn hóa dân tộc để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Nghiên cứu để xây dựng dần một số thị trấn, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của vùng dân tộc, ở nơi có điều kiện.
Đối với những vùng tập trung đông công nhân trong các đồn điền, những thị trấn, nhất là thị trấn cần và có điều kiện xây dựng thành thị xã trong vùng giải phóng lớn của ta, cần có kế hoạch xây dựng tốt và nhanh về các mặt để đem lại một cuộc sống mới cho công nhân, tạo chỗ dựa vững chắc của cách mạng và làm nổi bật tính chất ưu việt của chế độ ta trong các đô thị giải phóng.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có vị trí rất quan trọng đối với toàn Miền trước mắt cũng như lâu dài, mặc dù đang là trọng điểm bình định của địch để giành giật với ta về sức người, sức của, cần được đặc biệt quan tâm xây dựng, vừa để tăng nhanh tiềm lực của cách mạng về các mặt, vừa để đánh bại âm mưu thâm độc của địch. Hiện nay, ở miền Tây Nam Bộ (T3), phạm vi vùng giải phóng rộng và có thế liên hoàn, địa hình thuận lợi, dân đông, thế dân ở vùng tranh chấp cũng mạnh, tài nguyên phong phú, kinh tế hàng hóa nói chung đã phát triển. Ở đây cần và có điều kiện xây dựng toàn diện cả chính trị, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế xã hội theo chủ trương chung đã nêu ở phần trên. Đồng thời cũng có điều kiện chiến đấu để bảo vệ các khu căn cứ địa và vùng giải phóng sâu, tạo thế tương đối ổn định để xây dựng.
Riêng về kinh tế, phải ra sức khôi phục và phát triển nông nghiệp toàn diện, chú trọng cả lúa và các sản phẩm chính khác (hoa màu, cây trái, heo, gà, vịt và cá đồng), đồng thời khôi phục và phát triển các ngành đánh cá biển và làm muối, lâm nghiệp, một số ngành công nghiệp chế biến, cơ khí sửa chữa và những nghề thủ công truyền thống ở địa phương, giao thông vận tải đường thủy, mở rộng giao lưu hàng hoá, đẩy mạnh công tác tín dụng. Cần dựa vào ưu thế về lương thực thực phầm sản xuất ở vùng ta để đấu tranh kinh tế với địch, trước hết trên mặt trận lúa gạo.
Trong điều kiện còn bị ngăn cách với căn cứ chung toàn Miền do hai sông lớn và nhiều tuyến địch, nhưng có tiềm lực tại chỗ dồi dào, phải phát huy cao độ tinh thần tự lực tự cường, phấn đấu tự lực giải quyết tới mức cao nhất các mặt nhu cầu của địa phương và tiến lên làm nghĩa vụ đóng góp ngày càng nhiều sức người sức của cho nhu cầu phát triển chung của cách mạng. Phải hết sức coi trọng giữ vững và mở thêm các đường hành lang thông suốt lên biên giới và sang miền Trung Nam Bộ (T2), qua đó nối với căn cứ chung toàn Miền.
Đối với vùng Đồng Tháp Mười, nhìn về lâu dài có nhiều điều kiện xây dựng thành căn cứ địa vững chắc của miền Trung Nam Bộ như đã có truyền thống từ xưa. Trước mắt, do tình hình quân sự, chính trị chưa ổn định, địa thế rộng lớn nhưng địa hình còn trống trải, dân cư vùng căn cứ địa còn thưa và rải chưa đều, khả năng kinh tế lớn nhưng điều kiện xây dựng nhất thời còn bị hạn chế. Ở đây vấn đề quyết định nhất hiện nay là phải đẩy mạnh tấn công về chính trị quân sự binh vận kết hợp pháp lý để đẩy lùi địch, chuyển thế chuyển vùng, giành đất, giành dân và giành quyền làm chủ, khôi phục và mở thêm các lõm mảng giải phóng và tranh chấp, tạo địa bàn có thế liên hoàn để xây dựng thành căn cứ địa vững chắc.
Trên cơ sở đó, đi đôi với xây dựng về chính trị và quốc phòng, về kinh tế phải dựa vào điều kiện tự nhiên của vùng này mà khôi phục và phát triển nông nghiệp toàn diện (đây cũng là ưu thế của Đồng Tháp Mười), chú trọng vấn đề khai thác mở đường nước để tạo thế cư trú, đi lại của dân kết hợp với yêu cầu thủy lợi cho sản xuất, và đường vận chuyển hàng của nhà nước và nhân dân; đồng thời từng bước vững chắc đẩy mạnh xây dựng các ngành kinh tế khác và xây dựng các mặt văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội. Chú trọng củng cố và mở rộng các hành lang thông suốt lên miền Đông và biên giới, tạo đầu cầu nối với hành lang từ miền Tây lên.
Đối với các lõm và mảng giải phóng khác của đồng bằng xen kẽ với các lõm tranh chấp, đặc biệt là các vùng ven Sài Gòn và các đô thị lớn, trên các đường giao thông chiến lược và các vùng tôn giáo, di cư xưa nay cơ sở chính trị của ta yếu, ta và địch sẽ còn giành đi giật lại lâu dài. Ở đây xây dựng không thể tách rời với tiến công địch nhằm không ngừng chuyển thế chuyển vùng, giành dân giữ dân, giành và giữ quyền làm chủ, trên cơ sở giành giật quyết liệt với địch từng bước mà mở rộng dần các lõm và mảng giải phóng của ta. Xây dựng ở đây phải vận dụng phương châm phương thức thích hợp, có khi phải giữ thế của dân, của phong trào, bên cạnh các tổ chức công khai vẫn phải chú trọng đến tổ chức bí mật và không nên câu nệ về các hình thức tổ chức quần chúng.
Về nội dung xây dựng, tập trung trước hết vào xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng chính quyền cách mạng, xây dựng và phát triển du kích chiến tranh, đồng thời tùy điều kiện cụ thể mà đẩy mạnh các mặt hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội. Riêng về kinh tế, ở đây không có điều kiện xây dựng toàn diện và quy mô, chủ yếu là chăm lo sản xuất và bảo vệ sản xuất, phối hợp chặt chẽ với nhân dân các xã, ấp tranh chấp, vùng yếu và các đô thị để sử dụng ba mũi giáp công, kết hợp đấu tranh đòi địch phải thi hành hiệp định, không được càn quét lấn chiếm, bắn phá, cướp bóc, phải để cho nhân dân được tự do đi lại làm ăn và trở về ruộng vườn cũ sản xuất; Cần đặc biệt chú ý thực hiện tốt các chính sách của Đảng để gây ảnh hưởng tốt trong vùng địch. Ngoài ra cần quan tâm đến việc xây dựng ở các vùng ven biển và vùng biên giới Campuchia - Nam Việt Nam. Ở tuyến ven biển, ta có nhiều xã ấp giải phóng và tranh chấp mạnh, nhiều khu vực là căn cứ của khu hay của tỉnh. Chú trọng xây dựng củng cố về chính trị và quốc phòng, kết hợp việc xây dựng lực lượng bảo vệ bờ biển với việc tổ chức và phát triển hoạt động nghề biển của nhân dân. Đồng thời, tạo điều kiện xây dựng những cửa khẩu ở vùng biển giải phóng để tổ chức hành lang đường biển của ta sắp tới.
Tuyến biên giới của ta với Campuchia kéo dài từ Hà Tiên ra đến giáp chiến trường Tây Nguyên (B3) phần lớn gắn liền với vùng giải phóng của bạn, có vị trí rất quan trọng trong thế chiến trường chung và trong các mối quan hệ khác giữa cách mạng hai nước. Ở các vùng này, xây dựng phải nhằm củng cố, thắt chặt quan hệ đoàn kết anh em giữa hai dân tộc, hai nước, hai đảng, trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hết lòng hết sức tương trợ nhau trong chiến đấu cũng như trong xây dựng, nhất là về quân sự và kinh tế; cảnh giác đập tan âm mưu của địch chia rẽ ta và bạn, nhất thiết không vì những va chạm xung đột có tính chất cục bộ ở một số nơi mà làm tổn thương đến sự đoàn kết giữa hai bên.
Cũng như nhiều địa phương khác trên chiến trường B2, quân và dân Bình Thuận đã quán triệt sâu sắc những nội dung cơ bản về xây dựng căn cứ địa và vùng giải phóng của Trung ương Cục trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giải phóng. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, quân và dân tỉnh Bình Thuận đã xây dựng một hệ thống căn cứ địa vững mạnh, liên hoàn từ tỉnh đến huyện, xã, dựa vào các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để tạo thế, tạo lực cho phong trào cách mạng ở địa phương phát triển đi liên. Quá trình này diễn ra một cách hệ thống và toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội. Trong đó, lực lượng vũ trang địa phương giữ vai trò nòng cốt, tạo ra thế trận liên hoàn trên cả ba vùng chiến lược. Trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, các địa phương Bình Thuận, Bình Tuy sau khi giải phóng đã trở thành hậu phương trực tiếp chi viện sức người, sức của cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mở rộng đường tiến công các binh đoàn chủ lực giải phóng Sài Gòn-Gia Định từ hướng Đông và Đông Bắc.
Trong điều kiện và hoàn cảnh mới, những nội cơ bản về xây dựng căn cứ địa và vùng giải phóng của Trung ương Cục cần được tiếp tục nghiên cứu vận dụng một cách sáng tạo vào công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng thủ vững chắc.
Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét