Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Chính ủy, tại Quân khu 7 trong những năm gần đây, số vụ vi phạm kỷ luật giảm mạnh. Đó có phải là tác dụng của việc xây dựng một môi trường văn hóa tốt? Kinh nghiệm của Quân khu 7 trong xây dựng môi trường văn hóa?
Vấn đề ở chỗ, quan niệm môi trường văn hóa là như thế nào? Đó là quá trình tạo dựng môi trường nói chung cho người lính cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, trước hết phải là quá trình lãnh đạo. Thành tố đầu tiên quyết định việc xây dựng môi trường văn hóa là thành tố lãnh đạo. Tại sao như vậy? Nhìn vào quân đội một số nước mà tôi đã đến, mỗi nước có những đặc điểm khác nhau. Tùy theo mục tiêu chiến đấu, tùy theo thể chế chính trị, tùy theo cơ chế lãnh đạo của từng quốc gia thì có môi trường văn hóa khác nhau. Việc xây dựng môi trường văn hóa quân đội mình, hay cụ thể môi trường văn hóa ở Quân khu 7, là cho những người chiến sĩ chiến đấu bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa chứ không phải cho một đơn vị bất kỳ, cho một tổ chức vũ trang bất kỳ.
Trong việc xây dựng môi trường văn hóa, chúng tôi rất chú trọng đến xây dựng văn hóa lãnh đạo. Văn hóa lãnh đạo trước hết là trí tuệ tập thể. Tức là, anh phải ra quyết định lãnh đạo cho đúng. Quyết định lãnh đạo đó, nếu nó bám chắc nghị quyết, chỉ thị, đường lối, chủ trương và phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, phản ánh được yêu cầu xây dựng đơn vị, phản ánh được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, thì nó vận hành được toàn bộ hoạt động của đơn vị, mà trong đó có vấn đề môi trường văn hóa. Lại nữa, văn hóa lãnh đạo là văn hóa nêu gương. Nếu không có sự nêu gương của cán bộ, của đảng viên, của những người quản lý, thì không có gì để nói về vấn đề xây dựng quân đội cộng sản.
Nếu không xây dựng được văn hóa lãnh đạo thì chỉ thấy được cái màu mè bên ngoài mà không thấy được cái lõi bên trong.
Xây dựng môi trường văn hóa là một yêu cầu sống còn trong cuộc sống và chiến đấu của quân đội ta. Bởi quá trình vận hành môi trường văn hóa ấy tạo ra cho chúng ta khả năng khẳng định lẽ phải của đất nước chúng ta, lẽ phải của Đảng ta, lẽ phải của LLVT ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ví dụ như về vấn đề Biển Đông, lẽ phải của mình là chủ quyền không tranh cãi, lẽ phải là quá trình khách quan của lịch sử, lẽ phải là mình bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình. Xây dựng môi trường văn hóa là để lẽ phải ngự trị trong trường văn hóa ấy!
Thành tố thứ hai là văn hóa quản lý chỉ huy. Xưa nay mình hay nói: “Cán bộ nào, phong trào đó”, cũng là một cách diễn đạt về sự quan tâm của người chỉ huy đối với việc xây dựng đơn vị. Nếu hiểu theo ý nghĩa xây dựng môi trường văn hóa thì phải bố trí làm sao cho ê -kíp quản lý, chỉ huy đó lĩnh hội được văn hóa lãnh đạo, để biến văn hóa lãnh đạo đó thành quá trình xây dựng đơn vị.
Ở đây, nói đến khía cạnh văn hóa quản lý, rõ ràng mình quản lý như thế nào để có được sự vận hành hiệu quả nhất trong việc xây dựng môi trường văn hóa. Không phải cứ ăn may, thủ trưởng nào quan tâm đến môi trường văn hóa thì có môi trường văn hóa tốt, không quan tâm thì môi trường văn hóa không tốt. Không được! Anh không thích cảnh quan, anh vẫn phải làm theo chuẩn nào đó. Như tôi, tôi thích văn nghệ, nhưng khi quản lý đơn vị, tôi vẫn phải tạo dựng bóng chuyền, bóng đá, vườn hoa, cây cảnh. Bởi, về mặt văn hóa, tôi nhận thức rằng, đó là điều không thể thiếu trong đời sống cán bộ, chiến sĩ.
Thứ ba là văn hóa phục vụ. Nói ra tưởng to tát nhưng thực ra là thế này: Tôi là chính ủy Quân khu, là người lãnh đạo cao nhất về chính trị, tôi có phục vụ không? Có chứ! Tôi phục vụ cho quá trình lãnh đạo của Đảng ủy của tôi. Bí thư không phải là người chỉ huy đảng ủy mà là người phục vụ đảng ủy. Đối với đơn vị cơ sở, việc phục vụ rõ lắm. Ví dụ, tôi hay nói với anh em: Công tác hậu cần chính là công tác tư tưởng thông qua cái bao tử. Thử cho bộ đội ăn đói, ăn cơm khét, bộ đội có cười được không? Thử tiêu chuẩn của bộ đội 10 đồng mà anh nhéo mất 4 đồng, bộ đội có thông được không? Và bây giờ, đã đến trình độ vẫn 10 đồng ấy, phải cho bộ đội ăn không những ngon mà còn phải đẹp mắt. “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” mà! Chúng tôi làm cho bộ đội hiểu rằng, bữa cơm ngon thế này là biết bao công sức của người chiến sĩ nuôi quân, của các chiến sĩ quân nhu và cả phần tạo dựng của chính mình. Như vậy, người phục vụ và người được phục vụ hiểu nhau, thông cảm, tin yêu nhau.
PV: Trong cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa, các đơn vị trong toàn quân đều cơ bản xây dựng được môi trường cảnh quan tốt. Tuy nhiên trong thực tế, môi trường nhân cách của quân nhân vẫn còn một số vấn đề tồn tại. Thực trạng ấy có tại các đơn vị của Quân khu 7 không, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Văn Dỹ: Có một thứ văn hóa mà chúng ta đang làm rầm rộ, đôi khi quá mức, là văn hóa cảnh quan. Đã có lúc chúng tôi cực đoan, nghĩa là 4 giờ chiều, chiến sĩ ào ra chăm lo cảnh quan, có lúc quên cả giờ thứ 8 là tăng gia sản xuất, lau chùi súng đạn, thậm chí là vi phạm cả thời gian huấn luyện. Đua nhau mà làm xanh đỏ, tím vàng, đua nhau mà tô son trát phấn cho mấy con hươu, con nai. Vô nghĩa! Lại quá tốn kém sức người, sức của. Chúng tôi đã chấn chỉnh lại rất nhiều. Làm vừa thôi, đủ để bảo đảm môi trường cảnh quan cho bộ đội sinh hoạt thôi.
PV: Trong cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa, các đơn vị tại Quân khu 7 có những cách làm nào độc đáo, tạo hiệu quả cao, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Văn Dỹ: Đơn cử tại Sư đoàn 5, chúng tôi đã rất thành công trong việc thành lập các tổ tư vấn. Tư vấn là nhu cầu rất lớn và cũng là vấn đề văn hóa thời đại. Những người lính trong quân ngũ có những nhu cầu mà nếu không được tư vấn sẽ trở nên bức bách như tình yêu, hôn nhân gia đình, sức khỏe, … Nếu có vấn đề bí bách, anh em có thể lên gặp cán bộ trung đội, đại đội để xin tư vấn. Việc đó không những làm yên lòng chiến sĩ mà còn kích thích cán bộ trung đội, đại đội phải đọc để có trình độ tư vấn.
Hình thức hoạt động “Mỗi ngày một câu hỏi” ở Sư đoàn 5 cũng là một cách làm hay. Giờ sinh hoạt tối, sẽ có một câu hỏi được đưa ra. Tối hôm sau, mỗi anh em sẽ có một cách trả lời. Trong đó, câu trả lời của chính trị viên đại đội sẽ cố gắng mang tính thuyết phục nhất.
Hình thức hoạt động “Mỗi ngày một câu hỏi” ở Sư đoàn 5 cũng là một cách làm hay. Giờ sinh hoạt tối, sẽ có một câu hỏi được đưa ra. Tối hôm sau, mỗi anh em sẽ có một cách trả lời. Trong đó, câu trả lời của chính trị viên đại đội sẽ cố gắng mang tính thuyết phục nhất.
Lại có đơn vị, mỗi sĩ quan đều phải có một giờ tự học. Ai yếu gì học nấy. Tất cả những nỗ lực đó dần dần tạo dựng cho anh em một thói quen đọc và văn hóa đọc được mở rộng ra.
PV: Trong quá trình xây dựng môi trường văn hóa ở Quân khu 7, đồng chí thấy cần phải rút kinh nghiệm ở vấn đề nào?
Đồng chí Phạm Văn Dỹ: Tôi rất tâm đắc với hội thi “Ngày chính trị văn hóa tinh thần”. Bộ đội rất trông đợi ngày này, để được nghe, được nói, được thưởng thức, được đối thoại với cấp trên. Chúng tôi sẽ có tổng kết để rút kinh nghiệm về hình thức hoạt động này. Không làm “Ngày chính trị văn hóa tinh thần” không ổn đâu! “Ngày chính trị văn hóa tinh thần” có vai trò rất lớn trong đời sống văn hóa chiến sĩ. Nó cập nhật các sự kiện chính trị, thông qua đó, mình định hướng tư tưởng chiến sĩ.
Hiện nay, mình có một hệ thống cán bộ chính trị, cán bộ tham mưu. Mình phải định nghĩa khái niệm sĩ quan. Điều này trong Luật Sĩ quan 1989 đã ghi rõ: Sĩ quan trong quân đội nhân dân Việt Nam là cán bộ của Đảng công tác trong quân đội nhân dân Việt Nam. Cái căn cốt nằm ở chỗ đó. Nếu mình không hiểu căn cốt đó thì mình sẽ không có cơ sở nào để xây dựng môi trường văn hóa. Bởi vì, những sĩ quan đó, trong quá trình công tác, họ xây dựng cả phần xác lẫn phần hồn cho người lính.
Hồi ở Trường Sĩ quan Lục quân 2, tôi đã nhiều lần khẳng định, ở đây chúng ta không đào tạo ra thợ chỉ huy, chúng ta không đào tạo ra thợ đánh giặc. Nếu đào tạo ra thợ chỉ huy, thợ đánh giặc thì ta thua xa so với người Đức, người Mỹ, người Pháp… Ngay trong thời kỳ kháng chiến, nếu đào tạo thợ chỉ huy, thợ đánh giặc thì làm sao mình chống lại được người Mỹ. Tại sao Mỹ thua? Họ thua vì mình đã tạo ra được những sĩ quan Cộng sản.
Muốn cho chi bộ thực sự mạnh thì phải xây dựng trên cơ sở chính nó. Trước đây khoảng 10 năm, mình có yêu cầu là xây dựng đại đội đủ quân có chi ủy. Có chi ủy tức là phải có từ 9 đảng viên chính thức trở lên. Hồi đó làm thế được. Vì thế, một đại đội có thể có mười mấy đảng viên. Đại đội giờ khác, thời gian nghĩa vụ chỉ còn 18 tháng. Trong khi đó, số đảng viên kết nạp từ địa phương lại không đáng kể. Nếu tính phần cứng, một đại đội chỉ có khoảng 8 đảng viên. Vì thế, nhiều đơn vị đưa cán bộ tiểu đoàn, trợ lý binh chủng… xuống sinh hoạt cùng chi bộ đại đội. Tuy nhiên, với vị trí cấp trên, rất có thể những đảng viên này vô hình trung vô hiệu hóa luôn cấp ủy. Thà không đưa thêm đảng viên xuống, bí thư, phó bí thư ở đó có thể xoay xở hiệu quả hơn.
PV: Theo đồng chí, tiêu chí của con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa gồm những gì?
Đồng chí Phạm Văn Dỹ: Con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa không đơn giản là một khái niệm. Nó là một phạm trù vì nó lớn lắm. Tôi không định nghĩa con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa. Tôi chỉ thấy những con người mới xã hội chủ nghĩa ở Quân khu 7 như thế nào. Đơn giản, những người chiến sĩ Quân khu 7 biết đất nước mình đi theo con đường nào, mình đang đứng ở đâu trên con đường đó, kẻ thù của mình là ai, làm thế nào để giữ được nước, phận sự của mình là cái gì trong quá trình giữ nước, rèn luyện thế nào để thực hiện phận sự đó và khi quay trở lại nhà thì đóng góp gì cho địa phương… Theo tôi, đó là người đàn ông chúng tôi đang tạo dựng, người đàn ông sức khỏe cường tráng do hoạt động rèn luyện; người đàn ông tâm lý vững chắc, thắng không kiêu, bại không nản; người đàn ông mà trong đầu có kiến thức quân sự, chính trị, có bản lĩnh chiến đấu; người đàn ông biết tự học, cầu tiến, vươn lên; người đàn ông đủ sức làm chồng, làm cha, đủ sức tạo dựng cuộc sống cho mình và biết hòa nhập với môi trường sống…
Như vậy, bằng cách tạo dựng những người lính có phẩm chất, nhân cách như trên, chính là cách góp phần tạo dựng con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa.
Con người mới được thể nghiệm trong cuộc sống sinh động của nó. Khi nó sống ở đâu, hoạt động trong lĩnh vực nào, thì tỏa sáng. Khi về nông thôn, biết cải tiến kỹ thuật trồng lúa, đó là con người mới. Người chỉ huy biết chỉ huy đơn vị rèn luyện sẵn sàng chiến đấu tốt thì đó là con người mới. Mới hay cũ là do cuộc sống thẩm định!
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Quân Hùng thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét