Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Để có một “đội quân văn hóa” (Bài III)


Thành công trong Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội” ở một số đơn vị miền Đông Nam Bộ
QĐND - Xây dựng môi trường văn hóa là một yêu cầu tất yếu của quân đội ta. Bởi rất đơn giản, quá trình vận hành môi trường văn hóa ấy tạo ra cho quân đội ta khả năng khẳng định lẽ phải của đất nước, lẽ phải của Đảng ta, lẽ phải và sức mạnh của lực lượng vũ trang trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để có một môi trường văn hóa 
Để có một môi trường văn hóa, để văn hóa thực sự là yếu tố nền tảng trong xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, cần làm tổng thể nhiều công việc, nhiều biện pháp và vô cùng công phu, tâm huyết. Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát ở một số đơn vị toàn quân cũng như tại khu vực Đông Nam Bộ, chúng tôi đã gặp không ít chuyện, mà trong đó, nổi lên là vấn đề chú trọng quá mức, thi đua nhau xây dựng cảnh quan.
Những mong vài ý kiến sau đây có thể góp phần nhỏ bé nhằm tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội” đúng hướng, ngày càng đi vào chiều sâu thực chất.
Tại hầu hết các đơn vị chúng tôi đến, cảnh quan đều được chăm lo ở mức rất tốt. Đơn vị đóng quân trên những vùng đất khô cằn, nhưng cây xanh, thảm cỏ, mô hình hươu nai, trâu ngựa, cả rồng, phượng... bốn mùa tươi tốt.
Cảnh quan cũng là một yếu tố trong xây dựng môi trường văn hóa. Và nếu mỗi đơn vị trong toàn quân đều có được cảnh quan đẹp thì đó là điều rất đáng quý. Tuy nhiên, vấn đề là sự cân bằng giữa xây dựng cảnh quan - văn hóa bề mặt - và xây dựng con người - yếu tố cốt lõi của cuộc vận động.

Tăng cường số đầu sách tại Thư viện Quân đoàn 4.
Rất tiếc, ở một số đơn vị chúng tôi khảo sát, văn hóa cảnh quan được đầu tư ở mức vượt xa so với đầu tư hạng mục khác cho con người. Về chi phí, có những đơn vị mỗi năm đầu tư hàng tỷ đồng, hàng nghìn ngày công để chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, để đắp những mô hình. Có cảm giác sức sáng tạo trong xây dựng môi trường văn hóa chủ yếu đầu tư vào xây dựng cảnh quan. Trong khi đó, ít đơn vị đề cập tới vấn đề phát huy hiệu quả của hệ thống thư viện, tạo thói quen văn hóa đọc cho bộ đội. Việc đầu tư cho văn hóa đọc - một yếu tố hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng con người mới - hầu hết đều ở mức khá khiêm tốn. Nhiều thư viện thiếu hơi người. Đặc biệt, việc mua và đọc báo, vì cả lý do khách quan lẫn chủ quan, được duy trì không nghiêm, cơ bản thiếu về số lượng và yếu trong khâu tổ chức. Có những đơn vị chúng tôi đến hỏi chiến sĩ: "Tối qua đơn vị đồng chí có đọc báo không?". Lúc đầu chiến sĩ nói có đọc, nhưng hỏi đọc bài gì, ai đọc, có nhớ gì không, thì chiến sĩ gãi tai: "À, tôi quên, tối qua đơn vị tôi đi tưới cây cảnh". Vấn đề này, lãnh đạo, chỉ huy một số đơn vị đã nhận ra thiếu sót, rút kinh nghiệm nghiêm túc, nhưng cũng có lãnh đạo đơn vị (cấp trung đoàn) tỏ ra chưa thực sự đúng đắn khi cho rằng: "Tưới cây cũng là nhiệm vụ chính trị của đơn vị". Chỉ đến khi lãnh đạo cấp trên trực tiếp nhắc nhở về việc bỏ chế độ đọc báo là sai, thì vị chỉ huy trung đoàn mới thôi bao biện.
Việc định hướng xây dựng môi trường văn hóa nằm ở các cấp chỉ huy. “Cán bộ nào, phong trào ấy”, nếu lãnh đạo, chỉ huy đơn vị biết đặt trọng điểm đầu tư vào lĩnh vực nào, lĩnh vực ấy sẽ được phát huy. Ví như, nếu nguồn kinh phí xây dựng cảnh quan trị giá hàng tỷ đồng hằng năm được san sẻ bớt cho việc mua sách báo, rồi tổ chức cho bộ đội đọc sách báo, thì chắc chắn chiến sĩ nâng cao nhận thức chính trị, ít tiếp thu những văn hóa phẩm độc hại, mệnh lệnh chỉ huy sẽ được thực hiện triệt để hơn.
Để có được một “đội quân văn hóa”
“Xây dựng môi trường văn hóa là để lẽ phải ngự trị trong môi trường văn hóa ấy”, trong một lần gặp, đồng chí Chính ủy Quân khu 7 Phạm Văn Dỹ đã khẳng định điều ấy với chúng tôi. Ông kể, một học giả Mỹ trong một chương trình truyền hình gần đây đã nói: “Không hiểu vì sao chúng tôi lại đến một đất nước nhiệt đới xa như thế? Không hiểu vì sao chúng tôi lại bắn vào những con người mà họ nhỏ con, đen đúa, quê mùa như thế? Ngược lại, những người Việt cộng lại biết rất rõ vì sao họ chiến đấu. Họ biết làm gì để chiến thắng. Bởi vì, nếu họ thua, họ mất hết. Họ mất cả đất nước của họ. Họ mất cả truyền thống hàng ngàn năm của họ. Và bởi đó, họ thắng, chúng tôi thua!”.
Xây dựng môi trường văn hóa chính là việc xây dựng những con người biết phân biệt và khẳng định lẽ phải. Lẽ phải trong cuộc vận động này chính là việc rèn luyện, phấn đấu phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để mỗi tấc đất thấm máu cha ông của chúng ta không bao giờ bị rơi vào tay kẻ khác; để Nhà nước ta, Đảng ta, chế độ ta bền vững theo nguyện vọng của nhân dân ta; để tương lai dân tộc ta do chúng ta quyết định.
Văn hóa hàm chứa trong bản thân nó sức mạnh vô địch. Bởi lẽ ấy, khi mỗi người lính, mỗi người chỉ huy được thấm đẫm văn hóa, thì cũng tức là lúc tất cả họ hợp lại thành một “đội quân văn hóa” mang sức mạnh vô địch, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Bởi lý do căn cốt này, cuộc vận động không những cần được tiếp tục mà còn phải đẩy mạnh bằng những hình thức đa dạng hơn, thực chất hơn, để trở thành một hoạt động xuyên suốt trong quá trình xây dựng quân đội ta chính quy, tinh nhuệ, từng bước tiến lên hiện đại.
Bài và ảnh: Đoàn Quân Hùng (Tiếp theo và hết)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét