Thành công trong cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội” ở một số đơn vị miền Đông Nam Bộ
QĐND - Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7, tâm sự: Con người mới được thể nghiệm trong cuộc sống sinh động của nó. Sống ở đâu, hoạt động trong lĩnh vực nào, con người mới đều tỏa sáng. Khi về nông thôn, biết cải tiến kỹ thuật trồng lúa, đó là con người mới. Khi làm công nhân biết tuân thủ kỷ cương, sáng tạo và giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đó là con người mới. Người chỉ huy biết chỉ huy đơn vị rèn luyện sẵn sàng chiến đấu tốt thì đó là con người mới. Quân khu 7 đã và đang xây dựng những con người như thế.
Đã qua quân đội rồi, phải khác
“Con người mới Việt Nam XHCN” là tiêu chí số 1, cũng là tiêu chí bao trùm trong cuộc vận động "Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội". Chính vì thế, việc xây dựng “con người mới” được tất cả các đơn vị thuộc Quân đoàn 4 và Quân khu 7 đặc biệt coi trọng. Trung tướng Phạm Văn Dỹ bộc bạch: Tuyển quân là tuyển cho địa phương đấy chứ. Bởi sau thời gian ngắn trong quân ngũ, quân đội đã đào tạo, rèn luyện cho địa phương một số lượng khá đông đảo những thanh niên ưu tú. Những thanh niên ấy có dáng vẻ cường tráng của một người đàn ông; có bản lĩnh chính trị vững vàng, biết tổ chức vận động, tập hợp quần chúng; khác hẳn những thanh niên ẻo lả tóc xanh tóc đỏ ngày ngủ, đêm thức. Khi cần nguồn cán bộ, địa phương có sẵn những người qua quân ngũ mà bồi dưỡng, sử dụng.
Bởi vậy, cả gia đình quân nhân, địa phương giao quân và bản thân chiến sĩ Quân khu 7 đều thấy rõ vinh dự, trách nhiệm. Đơn vị quân đội là môi trường nhân văn, hướng mọi người đến vẻ đẹp hoàn thiện của người quân nhân: Vững vàng về bản lĩnh chính trị, phong phú về tâm hồn, trong sáng về đạo đức và cường tráng về thể chất. Chưa có con số thống kê chính xác, nhưng số cán bộ, chiến sĩ Quân khu 7 về địa phương, trở thành cán bộ lãnh đạo khá nhiều, họ đều không quên ơn quân đội - trường học lớn.
Duy trì nghiêm chế độ đọc báo tại Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9. |
Còn ở Quân đoàn 4, việc rèn luyện con người phát triển toàn diện được chú trọng đặc biệt và chất lượng tổng hợp về con người ngày càng tăng, tương đối đều đặn. Chẳng hạn ở Sư đoàn 9, kết quả kiểm tra nhận thức chính trị năm 2009, có 6,7% sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đạt loại giỏi, xấp xỉ 80% đạt loại khá. Năm 2010, tỷ lệ giỏi đạt 12%, khá 64%. Đến năm 2011, ở Sư đoàn 9, có tới hơn 15% tỷ lệ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đạt loại giỏi, xấp xỉ 75% đạt loại khá. Đặc biệt, nhiều năm qua, toàn bộ sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ tại Sư đoàn 9, không có trường hợp nào không đạt yêu cầu trong kiểm tra nhận thức chính trị.
Đại tá Trương Ngọc Hợi, Chính ủy Sư đoàn 9 cho biết: Đơn vị đã gắn cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Quản lý khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông” và các phong trào thi đua của đơn vị. Cùng đó, Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn luôn quan tâm thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao chất lượng dân chủ trong các tổ chức. Việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho bộ đội tiến bộ vượt bậc. Gần như toàn bộ chiến sĩ về đơn vị tăng cân, khỏe mạnh, hoạt bát, hăng say học tập, rèn luyện, sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Bài toán nguồn nhân lực ở cơ sở
Một sự trùng hợp thú vị, các đơn vị thuộc Quân đoàn 4 và Quân khu 7 đã và đang trở thành nơi tạo nguồn nhân lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, theo đồng chí Chính ủy Quân khu 7 Phạm Văn Dỹ, bước tuyển chọn đầu vào cực kỳ quan trọng. Đồng chí kể: Khoảng năm 1989, khi hội thảo công tác tư tưởng văn hóa trong quản lý bộ đội, bộ đội Sư đoàn 9 khi đó chỉ có 0,1% tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học. Cách đây chừng 3 năm, tỷ lệ này ở Quân khu 7 là 3,8%. Trong đợt tuyển quân đợt 2 năm 2012 của quân khu, 16,6% đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học, tốt nghiệp THPT là 98%. Những địa phương có tỷ lệ thanh niên nhập ngũ trình độ văn hóa trên THPT cao là Bình Dương 28%, TP Hồ Chí Minh 28,9%... Đặc biệt, tỉnh Long An từ 0% cách đây 3 năm giờ đã lên tới 17,5%... Con số này nói lên điều gì? Quá trình xây dựng môi trường văn hóa là quá trình tạo dựng sự hưởng thụ, cống hiến và sự tác động lại của những người lính có văn hóa. Tức là, xây dựng môi trường văn hóa không chỉ là quá trình chủ động mà còn là quá trình kế thừa việc đào tạo tại địa phương, gia đình quân nhân, kế thừa hàm lượng văn hóa mà họ đã lĩnh hội được từ nhà trường, gia đình, quê hương. Chúng tôi kế thừa quá trình đào tạo tại nhà trường, tại gia đình, tại quê hương để qua 18 tháng hình thành nhân cách người quân nhân cách mạng. Kế thừa rồi để phát huy. Có "sắt" rồi cần phải cho ra lò những "thanh kiếm" tốt.
Trong những năm gần đây, ở Quân khu 7, lúc ăn cũng nói đến tuyển quân, lúc ngủ, đi, ngồi đều nói đến tuyển quân. Bộ tư lệnh quân khu luôn quán triệt chủ trương, phải tuyển cho ra những người lính khỏe mạnh, có học vấn. Đồng quan điểm với Bộ tư lệnh Quân khu 7, các địa phương trên địa bàn quân khu cũng khẳng định: “Phải coi việc tuyển quân là bài toán nhân lực của cơ sở”. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng: Tỉnh Đồng Nai cần có nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo cả trong và ngoài nước. Nguồn đào tạo đó phải từ những người có độ tin cậy về chính trị và đó chính là những chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì cho rằng: Tuyển quân tức là cử những thanh niên tốt, những đảng viên tốt vào quân ngũ để xây dựng quân đội, học ở quân đội nếp sống văn hóa, phong cách chính quy, ý chí quyết tâm cao, và sau đó quay trở lại xây dựng địa phương.
Bài và ảnh: ĐOÀN QUÂN HÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét