Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Trách nhiệm của cả xã hội


QĐND - Những năm qua, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ (gọi tắt là công tác tuyển quân) trên địa bàn Quân khu 7 được tổ chức chặt chẽ và có nhiều đổi mới, sáng tạo. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan ban, ngành và Hội đồng nghĩa vụ quân sự ở các địa phương được phát huy. Hàng năm, các địa phương đều bảo đảm đủ chỉ tiêu và chất lượng tuyển quân, gắn tuyển quân với tạo nguồn xây dựng lực lượng dự bị động viên và nguồn cán bộ cơ sở. 
Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Bí thư Đảng ủy Quân khu
chúc mừng, động viên thanh niên tỉnh Bình Dương lên đường nhập ngũ. Ảnh: X.G
Phóng viên: Thưa đồng chí Chính ủy quân khu, nhiều năm qua, công tác tuyển quân trên địa bàn quân khu luôn được các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, có kế hoạch triển khai, thực hiện đồng bộ, kịp thời. Đồng chí có thể nói rõ hơn về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền đối với chất lượng công tác tuyển quân? Dịp này, phóng viên Báo Quân khu 7 có cuộc trao đổi với Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7. Xin trân trọng giới thiệu.

Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Rút kinh nghiệm công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ những năm trước, trong 2 năm qua, chúng ta đã thực hiện đồng loạt việc giao công tác thâm nhập “3 gặp”, “4 biết” từ đơn vị nhận quân về cho địa phương giao quân. Đây là một chủ trương đúng đắn, khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn, bước đầu đạt được kết quả quan trọng. Cách làm này đã phát huy tốt trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở với công tác tuyển quân. Công tác đăng ký, quản lý nguồn, sơ tuyển sức khỏe, xét duyệt tiêu chuẩn chính trị gọi công dân nhập ngũ được các địa phương thực hiện chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng và đúng Luật NVQS. Khi nói như vậy nghĩa là phải nói ngay đến vai trò tham mưu của cơ quan quân sự các cấp giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo việc giao, nhận quân; đồng thời còn là trung tâm phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và đơn vị nhận quân thực hiện các khâu, các bước trong qui trình tuyển chọn bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, đúng luật. Nhìn tổng thể, chất lượng công dân nhập ngũ ổn định, một số tiêu chí tăng so với trước.
Qua trao đổi, các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương đều thống nhất rất cao về quan điểm, nhận thức và quyết tâm bằng mọi biện pháp để nâng cao chất lượng tuyển quân, phải gắn tuyển quân với tạo nguồn xây dựng lực lượng dự bị động viên và nguồn cán bộ cơ sở, coi việc nâng cao chất lượng tuyển quân là một trong những bài toán nhân sự của địa phương. Điều này lý giải vì sao những năm gần đây, chất lượng tuyển quân ở các địa phương có sự ổn định và phát triển, tỷ lệ đảng viên trong số thanh niên nhập ngũ liên tục tăng cao. Có địa phương bắt đầu có sự đột phá về tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học, cao đẳng, đại học, đảng viên trong thanh niên nhập ngũ, đây chính là nguồn nhân sự chất lượng cao để xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở.
Nếu nói về con số, chỉ tính đợt 1 năm 2012, cả 9/9 tỉnh, thành trên địa bàn Quân khu 7 đều đạt chỉ tiêu tuyển quân 3 cấp, đúng thời gian quy định, với chất lượng khá tốt, đảng viên đạt 3,47% tăng 0,15%, trong đó đảng viên chính thức, dự bị trên 6 tháng đạt 2,95%. Trình độ học vấn tốt nghiệp phổ thông trung học đạt 19,03%. Trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học đạt 6,86% tăng 3,91%; việc tuyển chọn 50 nữ thanh niên được tiến hành chặt chẽ, đạt và vượt các tiêu chuẩn quy định 100% sức khỏe loại 1 và 2, trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp: 25 đồng chí, tốt nghiệp phổ thông trung học: 15 đồng chí.
Và có thể nói thêm rằng, cơ quan quân sự các cấp tập trung làm tốt công tác tham mưu hơn nữa, mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ Ban CHQS huyện, xã, phường, thị trấn – những người trực tiếp theo dõi, nắm, tổng hợp số lượng, chất lượng thanh niên trước khi nhập ngũ; đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là ở cơ sở cần gương mẫu trong giáo dục, động viên con em, người thân thực hiện tốt Luật NVQS hơn nữa, cùng với sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của mọi cấp, mọi ngành và toàn dân, chắc chắn chúng ta sẽ có những mùa tuyển quân thắng lợi, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.
Phóng viên: Thưa đồng chí Chính ủy quân khu, khi chúng ta thực hiện tốt nhiệm vụ của công tác tuyển quân, chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của LLVT và sẽ cho đầu ra chính là nguồn dự bị động viên, nguồn cán bộ cho địa phương, cơ sở và còn là nguồn nhân lực đông đảo có chất lượng cao cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Đúng vậy! Bởi lẽ, chất lượng công tác tuyển quân có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, niềm tin vào Đảng, vào chế độ XHCN, vào sự nghiệp xây dựng củng cố quốc phòng bảo vệ Tổ quốc, khả năng ứng xử, giải quyết tốt các mối quan hệ với gia đình, xã hội, đơn vị, đồng chí, đồng đội, cấp trên, cấp dưới, phòng chống có hiệu quả trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, nhất là về chính trị tư tưởng, văn hóa. Nếu không có nền tảng giáo dục vững chắc từ gia đình, nhà trường và đơn vị; không có bản lĩnh chính trị vững vàng, không có vốn sống cần thiết thì rất dễ sa ngã, dễ bị kẻ địch lợi dụng. Hơn nữa, từ thực tiễn quá trình xây dựng LLVT quân khu đã bộc lộ những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm nhất là ở cơ sở, đó là nhận thức của cán bộ chiến sĩ về những vấn đề cơ bản nhất như truyền thống của dân tộc, của Đảng, của Quân đội, của địa phương, đơn vị, còn nhiều bất cập. Việc hiểu biết tính năng, tác dụng, cấu tạo, kỹ chiến thuật các loại vũ khí trang bị hiện có của không ít chiến sĩ còn hạn chế. Về nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan, trực tiếp và gián tiếp, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ công tác tuyển quân.
Song, chúng tôi rất mừng bởi hiện nay các địa phương rất quan tâm đến việc phát triển đảng cho thanh niên trước khi nhập ngũ, do đó chất lượng công tác tuyển quân của các tỉnh từng bước được nâng lên, năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng trong số bộ đội xuất ngũ đợt 2/2012 của quân khu, có gần 400 đồng chí là đảng viên, còn lại là đoàn viên… Hơn nữa, các địa phương đều xác định, làm tốt công tác tuyển quân không chỉ góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội mà còn là bước quan trọng bồi dưỡng, tạo nguồn cho cơ sở. Trên thực tế hiện nay, tỷ lệ từ 70 đến 80% đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn của các địa phương đều là những người đã qua môi trường quân đội, nhiều địa phương còn thực sự coi quân đội là “trường đào tạo cán bộ” cho địa phương, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm rất cần cán bộ đã rèn luyện qua môi trường quân đội.
Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi thấy, các tân binh khi về đơn vị luôn được đánh giá cao bởi sự chăm chỉ rèn luyện, chấp hành tốt chế độ nền nếp của đơn vị, hầu hết trong thời gian tại ngũ, các em đã thực sự trưởng thành cả về chính trị, sức khỏe và trình độ văn hóa, tác phong, trình độ giao tiếp, xử trí tình huống của các chiến sĩ được nâng lên rõ rệt. Những năm tháng trong quân ngũ sẽ là nền móng vững chắc giúp các em bước trên đường đời vững vàng và tự tin hơn. Và điều này thực sự là niềm vui, là kỳ vọng của gia đình, đơn vị, địa phương và xã hội. Gia đình có được người con chững chạc, trưởng thành về mọi mặt; đơn vị tự hào có người chiến sĩ tốt; địa phương và xã hội có được nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng tận tâm, tận lực cống hiến sức lực, tài năng cho xã hội.
Phóng viên: Vậy để đạt được điều đó, trách nhiệm của đơn vị, địa phương và gia đình trong việc giáo dục, rèn luyện chiến sĩ trong thời gian tại ngũ phải như thế nào, thưa đồng chí Chính uỷ quân khu?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Khi đã tuyển chọn được thanh niên nhập ngũ có chất lượng tốt thì để có “chiến sĩ tốt” thì phụ thuộc rất nhiều vào công tác giáo dục, quản lý, huấn luyện, rèn luyện của đơn vị, sự động viên kịp thời, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình. Khi mới nhập ngũ, người chiến sĩ sẽ gặp rất nhiều bỡ ngỡ, song qua quá trình giáo dục, rèn luyện, huấn luyện sẽ giúp chiến sĩ dần hoàn thiện về mọi mặt, hình thành trong mỗi quân nhân nếp sống có ý thức tổ chức kỷ luật, chính qui, tác phong chững chạc, nghiêm túc, có sức khỏe bền bỉ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công…
Để làm được điều này, phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đội ngũ cán bộ của đơn vị. Đội ngũ ấy hiện nay đang và sẽ đảm đương việc quản lý giáo dục, huấn luyện đội ngũ chiến sĩ có chất lượng, có mặt bằng học vấn, mặt bằng văn hóa ngày càng cao. Do vậy, đội ngũ cán bộ cần phải không ngừng trang bị cho mình trình độ, năng lực toàn diện, gương mẫu, tác phong làm việc khoa học, phương pháp cụ thể, tỷ mỉ, sâu sát, thường xuyên quan tâm, giúp đỡ tận tình chiến sĩ, luôn tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiện, giúp cho họ vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, hòa nhập vào môi trường chung của quân đội, để họ yên tâm công tác, học tập. Chính những tiến bộ trưởng thành của chiến sĩ là thước đo trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ. Do vậy, việc thường xuyên bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, nhất là cán bộ cấp phân đội là yêu cầu tất yếu, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới.
Không chỉ làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống quân đội, đơn vị, gần gũi, giúp đỡ chiến sĩ mà cấp ủy chỉ huy các đơn vị cũng cần phải có mối liên hệ chặt chẽ với gia đình, địa phương để giáo dục nâng cao ý thức tự giác của chiến sĩ. Hằng tuần, hằng tháng, chỉ huy các đơn vị thông báo kết quả học tập, rèn luyện, phấn đấu của từng chiến sĩ cho gia đình, đặc biệt cần lưu ý đến diễn biến tư tưởng, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ. Đối với những chiến sĩ chấp hành kỷ luật chưa nghiêm, hoặc có diễn biến phức tạp về tư tưởng, đơn vị phải kịp thời phối hợp với địa phương, gia đình để giáo dục, động viên, giúp họ ổn định về tâm lý, sửa chữa khuyết điểm, yên tâm công tác. Đối với đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là chính ủy, chính trị viên trong giáo dục, rèn luyện chiến sĩ phải bằng chính tình thương và trách nhiệm của mình, không cứng nhắc hoặc tuỳ tiện, nôn nóng mà phải có cái nhìn thấu suốt, hiểu rõ chiến sĩ, qua đó có biện pháp giáo dục, chia sẻ với chiến sĩ. Bồi dưỡng tình thương yêu đồng chí, đồng đội và xây dựng tình cảm, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó cán – binh cho chiến sĩ, theo phương châm: “Đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ là tình anh em”. Đồng thời, các đơn vị cần duy trì có hiệu quả các mô hình như: “Ngày chính trị, văn hóa tinh thần”, sinh hoạt “tổ ba người”… Có như vậy, tình thương yêu giữa cán bộ và chiến sĩ mới mật thiết và gắn bó, góp phần giảm vi phạm kỷ luật, nâng cao hiệu quả công tác, tạo nên bầu không khí thân thiện và đoàn kết hơn.
Phóng viên: Chính sách hậu phương quân đội cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tuyển quân hàng năm. Vậy theo đồng chí Chính ủy quân khu chúng ta đã làm những vấn đề gì để tạo điều kiện cho thanh niên sau khi xuất ngũ có được cuộc sống ổn định?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Điều căn cốt của công tác chính sách trong tuyển quân, trong huấn luyện chiến sĩ chính là thu hút người giỏi, người tốt vào quân đội, để rồi qua rèn luyện trong môi trường ấy họ được trang bị tốt hơn về phẩm chất năng lực cần thiết để sau đó hòa nhập vào cuộc sống xã hội tốt hơn, trưởng thành hơn.
Trên thực tế, những năm qua, các địa phương, đơn vị trên địa bàn quân khu đã thường xuyên quan tâm, chăm lo cả về vật chất, tinh thần và làm tốt công tác chính sách đối với công dân nhập ngũ và gia đình họ, như: tặng quà, sổ tiết kiệm... Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, các địa phương cần tiếp tục chủ động tạo nguồn, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để có thể làm các việc thiết thực hơn, như: tổ chức hội trại tòng quân, gặp mặt giữa đơn vị với địa phương và gia đình quân nhân, xây nhà tặng gia đình quân nhân nghèo; hỗ trợ gia đình quân nhân khó khăn; tổ chức dạy nghề và bố trí việc làm ở các công ty, xí nghiệp khi quân nhân hoàn thành NVQS. Làm tốt điều này, sẽ tạo động lực khích lệ, động viên thanh niên có phẩm chất đạo đức, sức khỏe tốt, trình độ cao hăng hái lên đường nhập ngũ xây dựng quân đội.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chính ủy quân khu!
Xuân Giang (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét