Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Lính miền Đông thời kinh tế thị trường

Trung tướng Phạm Văn Dỹ - Chính ủy Quân khu 7 là người dễ gần, những nét dãi dầu trận mạc còn lưu dấu trên gương mặt thuần hậu của ông. Ngày làm chính ủy sư đoàn ở đơn vị cũ, chưa chuyển về Quân khu 7, ông đã phải đau lòng hạ bút ký quyết định kỉ luật khai trừ 15 đảng viên là cán bộ nhân viên tài chính. Chỉ sáu trăm ngàn đồng thời ấy nhưng sai thì vẫn kỉ luật. Mất cán bộ đảng viên đau lòng lắm. Bài học quá đắt ấy vẫn làm ông buồn bã mỗi khi nhớ lại. Ông luôn quan niệm: Làm tài chính tốt cũng là làm chính trị. Nền tài chính không lành mạnh thì quân khu không hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, phải thực hiện minh bạch, công khai và tạo được sự đoàn kết trong lãnh đạo chỉ huy. 


Ý tưởng Ngân sách địa phương cho quốc phòng thành định mức.

Địa bàn miền Đông vốn là khu vực kinh tế năng động nhất nước với vùng tứ giác trọng điểm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu… Tuy nhiên đó chỉ là điều kiện khách quan thuận lợi, còn tinh thần chủ động sáng tạo của cán bộ chiến sĩ Quân khu 7 mới là yếu tố quyết định. Đánh giá về công tác tạo lập, huy động, khai thác các nguồn lực tài chính để tăng khả năng cân đối ngân sách, trung tướng Phạm Quang Phiếu - Cục trưởng Cục Tài chính Quân đội khẳng định: “Đây là giải pháp quan trọng, trực tiếp góp phần giải quyết mâu thuẫn giữa khả năng ngân sách có hạn và nhu cầu chi lớn, giúp tăng nguồn lực tài chính bảo đảm tốt hơn cho nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; đồng thời, làm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.”
Quân khu 7 chủ trương: mọi đơn vị sự nghiệp hoạt động có thu đều phải được thu nộp theo chế độ quy định tài chính nhà nước hiện hành. Theo đại tá Nguyễn Văn Thái thì Phòng Tài chính kết hợp với phòng Kinh tế đi thẩm định kế hoạch thu chi của các đơn vị sự nghiệp hoạt động có thu, giao chỉ tiêu cho các đơn vị và tháng 11 hàng năm đi kiểm tra. Các đơn vị cấp dưới đều chấp hành tốt, bởi suy cho cùng thì tài chính quân khu đã giúp các đơn vị quản lý tài chính tốt hơn, không dẫn đến sai bị kỉ luật. 

Ngân sách của Quân khu chủ yếu từ hai nguồn: Bộ Quốc phòng cấp theo dự toán được duyệt hàng năm và tỉnh - thành cấp theo nhu cầu kế hoạch nhiệm vụ quốc phòng địa phương; tuy nhiên cấp nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào địa phương giàu hay nghèo, do trình độ và sự năng động của đơn vị và mức độ quan tâm của lãnh đạo địa phương. Ý tưởng: hàng năm mỗi tỉnh thành giành ra khoảng 2% tổng thu nhập chi cho nhiệm vụ quốc phòng thành định mức; giống như Quốc hội các nước thông qua ngân sách quốc phòng năm tài chính… là một đề xuất rất hay có ý nghĩa đột phá của Đại tá Nguyễn Văn Thái Trưởng phòng Tài chính đã được chấp nhận. Theo sự chỉ đạo của Quân khu, Phòng Tài chính đã mời trưởng ban tài chính, thủ trưởng cơ quan có liên quan trao đổi, xây dựng dự toán ngân sách địa phương cho nhiệm vụ quốc phòng. Nếu các tỉnh thành trong Quân khu 7 thực hiện được định mức ngân sách quốc phòng địa phương và nhân rộng ra toàn quốc thì rõ ràng đây là một phương án nghiêm túc, khoa học và thực sự cần thiết đối với nhiệm vụ quốc phòng trong thời kinh tế thị trường.

Vườn rau tăng gia của sư đòan 5
Giúp bạn là tự giúp mình.

Trong buổi lễ khánh thành Di tích lịch sử văn hóa Đoàn 125 và Nghĩa trang người yêu nước Camphuchia ở xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, nói về quân tình nguyện Việt Nam giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng của Pôn Pốt, Thủ tướng Hun Sen nói rằng: “Đây là một quyết định lịch sử, một hành động quyết đoán thể hiện tinh thần quốc tế cao cả”. Đoàn 125 dưới sự chỉ huy của thượng úy Hun Sen năm xưa chính là “Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia” - đơn vị tiền thân của quân đội Campuchia, nhiều chiến sĩ ngày ấy đã trở thành tướng lĩnh trong số 200 tướng lĩnh quân đội Camphuchia có mặt dự lễ khánh thành. Công trình di tích lịch sử văn hóa Đoàn 125 và Nghĩa trang 49 người yêu nước Campuchia được Quân khu 7 thiết kế, thi công chi phí hơn 8 tỷ đồng. Nhưng trước đó, và hiện nay thì công cuộc giúp nhân dân Campuchia thoát đói giảm nghèo vẫn chưa ngưng nghỉ. Địa bàn Quân khu 7 tiếp giáp với 3 tỉnh bạn là Công Pông Chàm, Svây Riêng, Prây Veng. Gạo, mỳ tôm, vật liệu xây dựng… được mua từ quỹ vốn Quân khu chở sang giúp nhân dân bạn vào các dịp lễ quốc khánh, bầu cử, tết cổ truyền... Trong khi Đội quy tập mộ liệt sĩ mải miết đi tìm kiếm đồng đội đang còn nằm lại ở những cánh rừng Camphuchia được đồng bào giúp đỡ chỉ dẫn, thì đồng thời các đoàn bác sĩ của Quân khu 7 cũng sang khám chữa bệnh và phát thuốc cho nhân dân bạn.
Để giữ gìn biên giới hòa bình, bền vững, ngay từ ngày còn là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tây Ninh, đồng chí Trần Đơn (hiện là trung tướng, Tư lệnh Quân khu 7) đã tham mưu cho tỉnh Tây Ninh phải thành lập những khu dân cư với đầy đủ cơ sở hạ tầng điện đường trường trạm để đưa dân lên bám trụ lâu dài nơi biên viễn. Dự án Khu dân cư Chàng Riệc tại ấp Tân Khai, huyện Tân Biên cho 500 hộ dân với khoản chi phí ước tính khoảng 800 tỉ đồng được khởi động từ năm 2010. Từ nguồn ngân sách địa phương, UBND tỉnh Tây Ninh đã ủy nhiệm cho Tỉnh đội thi công 500 căn nhà ở khu dân cư mới, đã có hơn 300 hộ dân người Kinh, người dân tộc thiểu số định cư và sống ổn định trên miền đất này. 
Dọc chiều dài 100 km biên giới hai huyện Tân Châu, Tân Biên có 385 ha cao su và 300 ha mía, mì đã được Công ty 22.12 thuộc Bộ chỉ huy quân sự Tây Ninh trồng đến thời kì khai thác, lợi nhuận chỉ tính riêng năm 2012 đã đạt 29 tỉ đồng. 
Dưới những tán cây rợp bóng
Chúng tôi có mặt tại Sư đoàn 5 vào mùa huấn luyện chiến sĩ mới 2013. Hàng ngàn chiến sĩ trẻ trang phục dã ngoại ướt đầm mồ hôi mải mê với những khoa mục trên thao trường giữa cái nắng nóng kinh người đất Tây Ninh. Do tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, Sư đoàn 5 có khoản lợi nhuận hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Số tiền này được sử dụng chủ yếu cho việc cải thiện nâng cao đời sống bộ đội như mua sắm giường tủ, xây dựng cảnh quan môi trường... 
Từ nguồn tài chính thanh lý doanh trại cũ được 200 triệu đồng, Sư đoàn xin Quân khu được sử dụng số tiền này đóng mới giường gỗ tử tế có giát giường giá thành 1,3 triệu đồng cấp cho cán bộ khối cơ quan sư đoàn và cán bộ tiểu đoàn trực thuộc. Trung tá Lê Đức Đồng chính trị viên tiểu đoàn rưng rưng xúc động, ở quân ngũ hơn hai mươi năm, đến nay anh mới hết cảnh nằm võng, nằm giường sắt, giường phản. Sư đoàn trưởng Nguyễn Văn Hoàng bảo: “Các anh nghe cảm thấy hoàn cảnh quá phải không! Vậy thì tui kể tiếp nè: Anh Chức gần 50 tuổi, là quân y sĩ chuyên nghiệp nên chưa đủ tiêu chuẩn cấp giường gỗ. Anh năn nỉ tui: Thủ trưởng ơi! Em còn một năm nữa là nghỉ hưu. Đời quân ngũ em chưa một lần được nằm giường gỗ. Thủ trưởng linh động duyệt cho em một cái…”   
Như thường lệ, ngày nghỉ nào đơn vị cũng có khách, một chiến sĩ có vài ba người thân đến thăm, thậm chí cả chục người gồm bố mẹ anh chị em chú bác cô dì…, có gia đình thuê hẳn một chuyến xe ô tô đến đơn vị. Thứ bẩy, chủ nhật vừa rồi, có tới gần 5000 (xin nhấn mạnh: gần năm ngàn) người thân vượt hàng chục hàng trăm cây số đến sư đoàn 5 thăm con em là chiến sĩ, tấp nập đông vui. Để đưa hết được số khách về từng đại đội, Sư đoàn huy động xe ca, xe máy, thậm chí cả... xe ngựa! Những chiếc xe ngựa vốn ban đầu chỉ được dành cho mục đích... làm cảnh, bỗng hóa thành phương tiện vận tải hành khách. Tiếng vó ngựa lốc cốc trên những con đường trải nhựa hai bên rợp hương hoa… thật nên thơ, lãng mạn. 
Không có nhà khách nào đủ rộng để tiếp hết chừng ấy khách, vả lại ai cũng muốn có một góc riêng tình cảm lúc gặp con em mình đang là lính binh nhì. Thế là, dưới những tán cây lá rợp, đồ ăn thức uống “hồi ở nhà tụi nó thích” được dọn ra trên cỏ xanh mướt mát. Mẹ nào con nấy, em nào anh chị nấy, cháu nào cô dì chú bác nấy… và cả các chiến sĩ cùng quê, cùng tiểu đội hôm ấy chưa có người thân đến thăm cùng nhập cuộc vui.  Bà Võ Thị Bòn ở Hòa Thành, Tây Ninh, mẹ chiến sĩ Phan Thiện Như Ý, thương con nhập ngũ xa nhà thỉnh thoảng cứ âm thầm khóc, vì lúc nào cũng nghĩ con trai vất vả, ăn uống thiếu thốn. “Ăn như vầy là... sướng hơn ở nhà! Thằng nhỏ nhà tui lên được 4 kí lận!”, bà nở nụ cười rạng rỡ nói với một người mẹ chiến sĩ khác.
Thượng úy Trưởng ban Tài chính Sư đoàn 5 Nguyễn Văn Dũng nói: Đối với tân binh bữa trưa ngày thứ bẩy, chủ nhật là đại tiệc. Lính mê mải món đặc sản quê hương nên cơm đơn vị nấu ra thường... bị ế. “Lãng phí là ông nội của tham nhũng”, một cách nói rất “Nam bộ” của trung tướng Phạm Văn Dỹ. Vị trung tướng giàu tình thương binh nhì đã đồng ý và cho phép các đơn vị căn cứ vào số lượng khách thăm nuôi để điều chỉnh suất ăn tại bếp. Có nghĩa là chiến sĩ nào có người thân đến thăm thì được quyền cắt cơm, chứ không để tình trạng không ăn cũng nấu, thừa mứa đổ đi, lãng phí là có tội. Số tiền ăn ấy được giữ lại, sử dụng công khai vào mục đích thiết thực. Kết thúc đợt huấn luyện tân binh năm ngoái, có bếp ăn tiểu đoàn dư ra hơn 20 triệu đồng và hơn 200 kg gạo dành làm quỹ liên hoan khi chia tay các chiến sĩ cuối khóa huấn luyện về đơn vị mới và giúp đỡ những gia đình chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn. 
Đi qua những mùa biển động
Từ những năm 1990, ngay sau khi có chủ trương “Vươn ra biển, làm chủ biển”, kết hợp kinh tế với quốc phòng, Tổng công ty Đông Hải - doanh nghiệp thuộc Quân khu 7 vốn sở trường kinh doanh ngành dệt may đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng sắm một đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu. Tải trọng 100 tấn mỗi chiếc, động cơ 400 mã lực, được trang bị máy dò tìm luồng cá, hệ thống thông tin hiện đại. Đánh bắt vựa cá phía Nam quần đảo Trường Sa, nhưng các năm đầu tiên, đội tàu vây của Đông Hải làm ăn thua lỗ, trong khi nợ ngân hàng thì lãi chồng lãi đã lên đến 10 tỉ đồng. Thủy thủ lính chỉ thạo việc chiến đấu, còn đánh bắt cá thì thua xa những ngư dân chính hiệu. Vì thế , các tàu của Đông Hải luôn luôn ở tình trạng... “đói cá”. Bù lại, mỗi khi tàu dân gặp nạn là tàu Đông Hải lại sẵn sàng cứu hộ lai dắt từ đại dương về đất liền, mặc dù biết rằng việc này sẽ tiêu tốn hàng tỉ tiền dầu. 

Năm 2007, được sự đồng ý của Bộ Tư lệnh Quân khu, Tổng công ty Đông Hải tiến hành phương thức quản lí mới: mỗi tàu chỉ biên chế một bộ khung quân nhân ở những vị chí then chốt, còn thủy thủ thì thuê ngư dân giàu kinh nghiệm. Hiệu quả đánh bắt cá tăng lên vùn vụt. 

Vốn xuất thân từ sĩ quan tài chính, Đại tá Tổng giám đốc Nguyễn Tiến Công rất nhạy với cơ chế thị trường. Nhằm khai thác tối đa sản phẩm, Tổng công ty Đông Hải quyết định thành lập xí nghiệp chế biến thủy sản. Cá lớn thì đóng hộp. Cá vừa vừa làm nước mắm... Những sản phẩm mang tên Đông Hải dần dần trở thành thương hiệu không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế. Năm 2009, Xí nghiệp thủy sản Đông Hải trả hết nợ vay ngân hàng, năm 2010 bắt đầu có lãi. Doanh thu từ hoạt động đánh bắt, chế biến thủy sản của Đông Hải vọt lên con số 500 tỉ đồng năm 2012. 

Tiền rất quí. Nhưng cái quí hơn nhiều là những con tàu của Đông Hải trở thành chỗ dựa vững chắc giữa trùng khơi cho ngư dân Việt Nam. Bão gió. Mùa biển động. Những con tàu cá của dân nhỏ nhoi, mỏng manh chỉ biết trông cậy vào tầu lớn của Đông Hải. Mỗi khi thấy tàu của Đông Hải xuất bến là tàu dân bám theo liền. Tàu Đông Hải bủa lưới ở đâu là tàu dân cũng hạ neo bủa lưới theo ở đó. Ngư dân yên tâm là sẽ có nhiều cá, tránh được rủi ro bão tố, được bảo vệ khi có nguy cơ cướp biển... 

Năng động, linh hoạt nơi thành phố

Doanh trại Bộ chỉ huy Quân sự Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là một trong những trụ sở cơ quan quân đội đẹp vào hàng nhất nước. Trụ sở này được khánh thành vào năm 2010 với số tiền đầu tư là 248 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Theo đại tá Lê Văn Hiên, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Bà Rịa – Vũng Tàu: Sau khi dự án được phê duyệt, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã thành lập một Ban quản lí công trình gồm: một Phó Chỉ huy trưởng Tỉnh đội và các đồng chí trưởng ban Tài chính, Doanh trại, Công binh...  Tỉnh đội còn thuê hẳn một đội ngũ kiến trúc sư  có kinh nghiệm để giám sát thi công nên công trình đảm bảo chất lượng xây dựng và tính thẩm mĩ. 

Đại úy Nguyễn Văn Năm, Trưởng ban Tài chính cho biết, kinh phí dành cho xây dựng cơ bản ở Bộ Chỉ huy Quân sự Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2012 có được từ hai nguồn với tỉ lệ Bộ Quốc phòng 1, địa phương 4. Nhờ vậy mà ở các huyện, đảo và 78/82 xã phường đã có trụ sở ban chỉ quân sự đàng hoàng, đủ nơi ăn ở, làm việc cho cán bộ chiến sĩ, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ, quân dự bị động viên...
 
So với các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 7 thì Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh có quá nhiều hoạt động quân sự thường xuyên và đột xuất như xây dựng cơ bản, tiếp đón các phái đoàn quân sự quốc tế, công tác bảo vệ các đoàn nguyên thủ... Tính chất, nhiệm vụ quân sự địa phương phức tạp và nặng nề nên yêu cầu trình độ cán bộ nhân viên làm công tác tài chính cũng phải cao. Theo Trung tá Trưởng ban Tài chính Vũ Đình Hạnh, nguồn ngân sách quốc phòng từ địa phương năm 2012 đã đạt con số 236 tỉ đồng. Tuy vậy, do đặc thù địa bàn đô thị nên công tác xây dựng cơ bản gặp nhiều trở ngại. Thiếu tướng Tư lệnh Trương Văn Hai cho biết, khó khăn lớn nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng để tiến hành xây dựng doanh trại, trụ sở xã phường đội. Dù UBND Thành phố đã quan tâm ủng hộ hết mức nhưng đến nay mới chỉ có 70% phường đội có trụ sở riêng, 30% phường đội vẫn phải nằm chung trong trụ sở UBND các phường. Nhưng ông tin rằng, với truyền thống linh hoạt, sáng tạo của những người lính Quân khu 7 từng lăn lộn chiến đấu trong địa bàn thành phố thời chiến tranh, những khó khăn sẽ dần được tháo gỡ. 

Đã qua lâu rồi, đã xa lâu rồi thời lính miền đông gian lao mà anh dũng. Bây giờ là thời của lính miền đông huấn luyện sẵn sàng chiến đấu tiến lên chính quy hiện đại và làm kinh tế kết hợp với quốc phòng thời kinh tế thị trường có hiệu quả cao. Mỗi thời của họ đều có vẻ đẹp riêng, khi âm thầm lúc lung linh không phải ai cũng nhận ra.
 
Tháng 3-2013
SƯƠNG NGUYỆT MINH – ĐỖ TIẾN THỤY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét