Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Phải giữ hòa bình bằng sức mạnh của chúng ta

Trước những luận điệu đòi “phi chính trị hóa quân đội” mà thực chất là âm mưu xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước (được ghi ở Điều 4 Hiến pháp) của một số phần tử chống đối, nhiều cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ và đề nghị tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo Đảng đối với QĐND Việt Nam. Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7.
Quân đội nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc
* PV: Thưa trung tướng, trước luận điệu của các thế lực thù địch đòi “phi chính trị hóa quân đội”, quan điểm của ông như thế nào?
* Trung tướng PHẠM VĂN DỸ: Vấn đề “phi chính trị hóa quân đội” nằm trong tổng thế chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam mà thực chất là thủ tiêu Đảng Cộng sản Việt Nam. Xét riêng vấn đề “phi chính trị hóa quân đội”, tôi không tin rằng những người vừa nói điều này lại thiếu hiểu biết đến mức họ không biết quân đội là gì? Tôi đơn cử 2 điều: Quân đội là công cụ của nhà nước. Họ muốn “phi chính trị hóa quân đội” thì hãy phi chính trị hóa cái nhà nước đó. Mà bản thân nhà nước là một thực thể chính trị, vậy thì quân đội có đứng ngoài chính trị được không? Liệu có “phi chính trị hóa quân đội” được không? Hoặc như quan điểm của Clausewitz, một tướng quý tộc và cũng là một học giả Đức, ông cho rằng: “Chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn bạo lực”. Quân đội chính là công cụ để thực hiện kế tục đó. Vậy quân đội có đứng ngoài chính trị được không? Có thể “phi chính trị hóa quân đội” được không? 


Về thực tiễn, xin hãy chỉ cho tôi biết ở đâu, khi nào, nước nào mà quân đội đứng ngoài chính trị. Ở các cường quốc chăng? Không, ở đó người ta đã, đang và vẫn sẽ nói rất rõ quân đội là cái để bảo vệ cho quyền lợi cũng như các giá trị của đất nước ấy, của thể chế ấy. Quyền lợi chính là kinh tế mà đằng sau chính trị cũng chính là kinh tế. Bản thân kinh tế cũng chính là chính trị. Và giá trị mà họ muốn bảo vệ trước hết là giá trị chính trị. Như vậy ở đó không thể có “phi chính trị hóa quân đội”. Còn ở các nước Đông Âu, hoặc các nước trải qua “cách mạng màu”, “mùa xuân Ảrập” thì sao? Chính ở các nước này người ta cũng dùng chiêu bài “phi chính trị hóa quân đội”, đòi đa nguyên, đa đảng, nhưng sản phẩm sau cách mạng là gì? Vẫn là những chính quyền dưới sự lãnh đạo của một đảng cầm quyền nào đó và vẫn là quân đội làm công cụ bạo lực của các chính quyền đó. Ở đó không hề có chuyện quân đội đứng ngoài chính trị.

Ở Việt Nam thì sao? Nói đến đây thì cả lý luận và thực tiễn đều rõ. Không có nhã ý nào ở đây cả. Người ta muốn thủ tiêu một công cụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân. Họ muốn đánh phá tận gốc rễ QĐND Việt Nam - quân đội mà đã cùng toàn Đảng, toàn dân ta góp phần làm cáo chung chế độ phong kiến suy tàn, đánh đổ chế độ thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ. Họ muốn làm cái điều thừa thắng ở bên Đông Âu, các nước cách mạng màu, cách mạng Ảrập để hòng thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam theo cách mà họ muốn, để phục vụ cho mưu đồ chính trị bá chủ của họ, tức là họ muốn làm cái điều mà người Mỹ với 21 năm chiến tranh, với hàng trăm tỷ đô la, với hàng triệu tấn bom đạn và cả một chế độ tay sai với hơn 1 triệu quân đã không làm được. Như vậy là đã rõ. 

* Vậy để giữ vững lập trường, đập tan âm mưu “phi chính trị hóa quân đội”, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã có những chủ trương, biện pháp gì để nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, chiến sĩ?


* Có 2 điều mà chúng tôi xem là quan trọng nhất. Thứ nhất là tăng cường công tác giáo dục chính trị cho cán bộ, chiến sĩ; làm cho rõ bản chất, chức năng, nhiệm vụ của quân đội ta được sinh ra, rèn luyện và trưởng thành để làm gì, qua đó giúp cho cán bộ, chiến sĩ LLVT quân khu hiểu thật chắc những luận điệu mà tôi vừa nói. Bác Hồ và Đảng đã cho ra đời và rèn luyện quân đội xuất phát từ yêu cầu của dân tộc là phải lấy lại tên Việt Nam trên bản đồ thế giới, đưa dân tộc đi theo con đường XHCN. 

Thứ hai là xây dựng môi trường văn hóa ở các đơn vị trong LLVT quân khu, trong đó có 2 vấn đề cần lưu tâm. Trước hết là xây dựng văn hóa lãnh đạo. Văn hóa này phải thuận lòng trời, hợp lòng dân, có nghĩa là nó phải quán triệt được đường lối quân sự của Đảng; nó phải thỏa mãn yêu cầu mà nhân dân trao cho chúng ta: đó là giữ cho được sự ổn định chính trị của đất nước ta để từ đó mà phát triển kinh tế, dùng sức mạnh của nó để giữ nước. Kế đến là phải xây dựng, giáo dục và tiếp tục hun đúc lòng yêu nước của con người Việt Nam, của mỗi người lính Việt Nam. Lòng yêu nước đó được thể hiện qua việc giữ vững chế độ XHCN, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền của nhân dân. Phải giữ được nền hòa bình bằng sức mạnh của chính chúng ta. Điều này cũng góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Và đó cũng là cách chúng ta khẳng định một khía cạnh khác trong chính trị của quân đội ta là chính trị yêu chuộng hòa bình.


XUÂN GIANG (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét