Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Kinh nghiệm phối hợp quản lý, giáo dục chiến sĩ mới ở Quân khu 7 (bài 1)

Bài 1: Cách làm hiệu quả theo kinh nghiệm của Tây Ninh

QĐND - Trong những năm qua, các đơn vị trực thuộc Quân khu 7 luôn làm tốt công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện chiến sĩ mới bằng nhiều giải pháp; một trong những cách làm hiệu quả là sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị với địa phương và gia đình của chiến sĩ. Đây là cách làm được khởi xướng và thực hiện đầu tiên ở Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh.

Sự phối hợp hiệu quả, cần thiết
Trao đổi với chúng tôi, Trung tướng Trần Đơn, Tư lệnh Quân khu 7 cho rằng: “Sự phối hợp giữa đơn vị với địa phương và gia đình để quản lý, giáo dục và rèn luyện chiến sĩ mới là rất cần thiết. Đây cũng là dịp để địa phương và gia đình người chiến sĩ hiểu rõ hơn về môi trường quân đội, yên tâm khi con em mình được rèn luyện, học tập trong môi trường đó”.


Được biết, cách làm này là ý tưởng của lãnh đạo, chỉ huy Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh từ năm 2004 (khi đó, đồng chí Trần Đơn là Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh) và được thực hiện rất hiệu quả ở các đơn vị trong tỉnh nhiều năm qua.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm hỏi thân nhân của chiến sĩ mới thuộc Trung đoàn Gia Định, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh.

Tiểu đoàn 14 Anh hùng LLVT nhân dân (Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh) là đơn vị đi đầu thực hiện quản lý, giáo dục, rèn luyện chiến sĩ với sự phối hợp với địa phương và gia đình. Tháng 9-2008, Tiểu đoàn 14 tiếp nhận quản lý, huấn luyện 250 chiến sĩ mới của tỉnh. Qua thực tế, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị nhận thấy việc quản lý, giáo dục, rèn luyện chiến sĩ mới nếu chỉ “gói gọn” trong quân đội thì chưa mang lại hiệu quả như ý muốn. Chiến sĩ mới lần đầu xa quê, xa gia đình, bạn bè, có nhiều bỡ ngỡ, nhớ nhà, nên rất cần sự động viên, cổ vũ từ địa phương, gia đình; những chiến sĩ “cá biệt” càng cần đơn vị, địa phương và gia đình quan tâm hơn. Dưới sự chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh, đơn vị đã tổ chức cuộc họp mặt với lãnh đạo địa phương và gia đình chiến sĩ mới, để mọi người hiểu hơn về môi trường quân đội, về cuộc sống và sự trưởng thành của con em mình, qua đó, địa phương và gia đình sẽ cùng đơn vị giáo dục, động viên chiến sĩ mới phấn đấu, rèn luyện tốt.

Cuộc họp mặt đầu tiên với sự hiện diện của hơn 300 cán bộ, người dân, đại diện cho lãnh đạo các địa phương và gia đình chiến sĩ mới thực sự là một “ngày hội” quân dân trên vùng chiến khu xưa. Đến thăm Tiểu đoàn 14, ai cũng rất phấn chấn khi thấy doanh trại quân đội “xanh-sạch-đẹp” như một công viên; nơi ăn, ở của bộ đội luôn gọn gàng, ngăn nắp. Có người khi tới xem bếp nuôi quân đã nhận xét: “Khẩu phần ăn của chiến sĩ ngon hơn ở nhà!”. Một cán bộ lãnh đạo ở huyện Dương Minh Châu bộc bạch: “Môi trường quân đội thật lành mạnh và vui tươi; cán bộ, chiến sĩ rất yêu thương, gắn bó”.

 “Tiếp sức” chiến sĩ rèn luyện tiến bộ

Theo Trung tá Nguyễn Thành Tâm, Chính trị viên phó Ban CHQS thị xã Tây Ninh (năm 2008, anh là Phó tiểu đoàn trưởng về chính trị Tiểu đoàn 14): Tổ chức họp mặt với lãnh đạo các địa phương và gia đình chiến sĩ mới làm cho mọi người hiểu rõ hơn về hoạt động quân sự, về đời sống, học tập, công tác, rèn luyện và sự trưởng thành của con em họ, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa đơn vị, địa phương và gia đình để phối hợp giáo dục, quản lý và rèn luyện chiến sĩ mới.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, dù huấn luyện ở Tiểu đoàn 14, hay ở Trường Quân sự tỉnh, các chiến sĩ mới luôn nhận được sự quan tâm, cổ vũ, động viên từ đơn vị, địa phương và gia đình, nhất là từ cha mẹ, người thân, nên thêm yên tâm công tác, vượt qua những khó khăn thử thách ban đầu. Có chiến sĩ mấy lần định bỏ ngũ, nhưng khi gia đình, bạn gái động viên đã chấp hành tốt kỷ luật của quân đội, kiểm tra bắn súng AK bài 1 đạt xuất sắc. Khi đến thăm con em mình, lãnh đạo các địa phương và gia đình quân nhân được chỉ huy đơn vị thông báo chi tiết kết quả học tập, rèn luyện của từng chiến sĩ. Biết chiến sĩ rèn luyện, học tập tiến bộ, có tính tự lập cao, thực hiện tốt phong trào “7 không” của quân khu, trong đó có không uống rượu, bia, không hút thuốc, không đào, bỏ ngũ, ai cũng phấn khởi. Đối với các quân nhân “cá biệt”, chỉ huy đơn vị gặp gỡ từng gia đình, bàn cách để phối hợp động viên, giúp chiến sĩ vượt qua khó khăn để rèn luyện tiến bộ.

Những năm qua, các đơn vị được giao quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới của Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ; kết quả huấn luyện đều đạt 100% yêu cầu, trong đó có từ 85% đến 90% khá, giỏi, không có chiến sĩ mới vắng mặt trái phép hoặc đào, bỏ ngũ. Một người cha của chiến sĩ mới ở huyện Tân Biên nhận xét: “Chúng tôi rất yên tâm khi con em của mình được rèn luyện trong môi trường quân đội. Tôi luôn động viên con phải phấn đấu học tập thật tốt, để trở thành người quân nhân ưu tú”.

Bài và ảnh: PHI HÙNG – HOÀNG THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét